Virus Corona: Những gì biết đến lúc này tại Việt Nam

Chiều 26-1 (mùng 2 tết), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc thứ ba trong vòng bốn ngày qua với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch viêm hô hấp cấp do virus Corona (nCoV).
Phó thủ tướng nhấn mạnh: Tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung ở mức cao nhất để phát hiện kịp thời, sớm nhất có thể các trường hợp nghi ngờ lây nhiễm nCoV, khoanh vùng, cách ly tuyệt đối, theo dõi, chăm sóc thật tốt và xét nghiệm, nhất định không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dù phải hy sinh lợi ích kinh tế cũng phải đặt công tác phòng, chống dịch lên trên. Ảnh: VGP/ĐÌNH NAM

Chưa có người Việt nhiễm virus Corona

Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết đến nay tại Trung Quốc đã ghi nhận 2.019 trường hợp nhiễm nCoV, 56 người tử vong tại 30 tỉnh, thành phố. Trong đó, tỉnh Hồ Bắc cao nhất với hơn 1.000 trường hợp, Quảng Đông cao thứ ba và đây là tỉnh có biên giới giáp Việt Nam.

Có 12 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận người nhiễm và đều là ca bệnh xâm nhập, có liên quan đến TP Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc).
 Bà Satoko, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết hiện các bằng chứng cho thấy việc lây nhiễm nCoV chỉ diễn ra ở các chùm ca bệnh là những người trong gia đình và những người tiếp xúc rất gần. Tất cả trường hợp ca bệnh xâm nhập đến các quốc gia hiện nay đều có tiền sử đi từ TP Vũ Hán hoặc đã từng đến đây. Tỉ lệ tử vong khi nhiễm nCoV tại Trung Quốc khoảng 3%-4%, số ca bệnh nặng 20%-25%.

Kiểm soát thân nhiệt tại các sân bay. Ảnh: HẢI ÂU

 Tại Việt Nam, PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết cả sáu trường hợp nghi ngờ đầu tiên ở miền Bắc đều âm tính với virus nCoV.
Đến sáng 26-1, tiếp tục có hai bệnh nhân được loại trừ. Các cơ sở y tế ở miền Bắc đang cách ly, điều trị 23 trường hợp thuộc diện nghi ngờ và đang được xét nghiệm.
 Ở miền Nam, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho hay tại Phú Quốc đang cách ly, theo dõi hai người Trung Quốc đến từ Hồ Bắc, có biểu hiện sốt, ho.
Tại miền Trung có 24 trường hợp nghi nhiễm nCoV được lấy mẫu, đã loại trừ 14 người, còn 10 trường hợp đang cần thêm các xét nghiệm.
Như vậy cả nước còn 35 trường hợp thuộc diện nghi nhiễm nCoV, đang tiếp tục được cách ly, theo dõi và tiến hành xét nghiệm.
Những người tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm nCoV đều được ngành y tế địa phương tư vấn, theo dõi chặt chẽ, bảo đảm không bỏ sót các trường hợp nghi ngờ.
Về hai bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm nCoV đang được điều trị tại BV Chợ Rẫy thì người con đang tốt dần và có thể xuất viện, còn người cha do mắc đến bệnh cảnh nền nên tiến triển chậm, đang được theo dõi, điều trị chặt chẽ.

Chỉ tập trung ngăn ở các cửa khẩu thì rất khó kiểm soát sau này

 Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp người Việt Nam, cán bộ y tế được báo cáo lây nhiễm virus nCoV nhưng Việt Nam đã bắt đầu triển khai các biện pháp phòng, chống tương ứng với cấp độ dịch lây lan diện rộng, mức cao nhất trong kịch bản phòng, chống dịch. 

Nhiều ý kiến tại cuộc họp thống nhất nhận định tình hình dịch ở Việt Nam trong tầm kiểm soát, không có những chuyển biến xấu đi như Trung Quốc.

Từng tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh khi giữ cương vị thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đề nghị ngoài các biện pháp chống ca bệnh xâm nhập cần quan tâm đến phòng, chống dịch trong nội địa.

"Có nguyên tắc rất quan trọng là ngăn chặn các ca lây nhiễm xâm nhập và khả năng lây lan ra cộng đồng.

Giai đoạn đầu chúng ta thường rất chú trọng ngăn chặn các ca lây nhiễm xâm nhập nhưng ở giai đoạn này cần chú trọng lây từ những ca nghi nhiễm ra cộng đồng.

Chúng ta phát hiện sớm, cách ly triệt để các ca nghi nhiễm thì sẽ khống chế được dịch. Theo dấu được các ca bệnh, quản lý được các ca bệnh tại cộng đồng, cơ sở y tế, tránh lây nhiễm chéo, lây nhiễm cho nhân viên y tế là những bài học rút ra từ phòng, chống dịch SARS. Nếu chỉ tập trung ngăn ở các cửa khẩu thì rất khó kiểm soát sau này" - ông Nguyễn Thanh Long phân tích.

Về những ý kiến trên mạng xã hội xung quanh việc cân nhắc biện pháp ngưng tiếp nhận hành khách từ Trung Quốc, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện chưa có nước nào trên thế giới thực hiện việc này. Chuyên gia này cũng cho biết ngay Nhật Bản cũng chưa áp dụng khai tờ khai sức khỏe với các du khách đến từ Trung Quốc, trong khi Việt Nam đã áp dụng từ 0 giờ ngày 25-1.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã chính thức kích hoạt Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng; báo cáo tình hình dịch hằng ngày; chỉ đạo các địa phương giám sát chặt, thu dung, điều trị các trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm…

Không chủ quan, làm tốt, nghiêm ngay từ đầu

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tình hình dịch ở Trung Quốc diễn biến phức tạp, mức độ lây nhiễm cao nên các biện pháp phòng, chống của Việt Nam đặt ra ngay từ đầu luôn rất tích cực, cao một mức so với các khuyến nghị.

Đơn cử việc khai báo y tế bắt buộc tại cửa khẩu thì những nước đón khách du lịch từ Trung Quốc đến nhiều hơn Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cũng chưa áp dụng.

Tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung ở mức cao nhất để phát hiện kịp thời, sớm nhất có thể các trường hợp nghi ngờ lây nhiễm, khoanh vùng, cách ly tuyệt đối, theo dõi, chăm sóc thật tốt và xét nghiệm, nhất định không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng ở Việt Nam. Dù phải hy sinh lợi ích kinh tế cũng phải đặt công tác phòng, chống dịch lên trên.

Tuy nhiên, phó thủ tướng lưu ý không chỉ chú ý quản lý người đến từ vùng dịch vào Việt Nam mà bỏ quên việc theo dõi, quản lý sức khỏe của tất cả đối tượng khách du lịch đã từng đến vùng dịch hoặc tiếp xúc với người ở vùng dịch. Thời gian theo dõi trong khoảng thời gian ủ bệnh 14 ngày, để khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ thì cách ly, điều trị, xét nghiệm kịp thời.

Việc này cần tuyên truyền để khách du lịch hợp tác tự nguyện vì lợi ích của bản thân cũng như vì cộng đồng.

“Nhân dịp này, ngành y tế cần tăng cường truyền thông cho mọi người dân nâng cao ý thức phòng các loại bệnh lây nhiễm nói chung, hình thành thói quen khi đến bệnh viện thì đeo khẩu trang, rửa tay sạch bằng xà phòng, nấu chín, uống sôi… Đây là những thói quen rất đơn giản, bình thường nhưng khi khoẻ mạnh chúng ta thường bỏ qua” - phó thủ tướng nhắc nhở.

Phó thủ tướng chỉ đạo: Trong phòng, chống dịch thì ngành y tế là nòng cốt. Thông tin, hướng dẫn, cảnh báo đầu tiên phải từ Bộ Y tế nhưng cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương. Ngoài hướng dẫn chuyên môn, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, nhắc nhở và cập nhật kịp thời các hướng dẫn chuyên môn.

Bộ VH-TT&DL thực hiện nghiêm các chỉ đạo không đưa khách du lịch Việt Nam đến các vùng dịch đã được công bố và khuyến cáo công dân Việt Nam hạn chế tối đa đi đến những vùng đã phát hiện người nhiễm nCoV tại Trung Quốc; theo dõi, quản lý chặt chẽ khách du lịch, nhất là những người đến từ Trung Quốc hoặc qua Trung Quốc, tiếp xúc với người Trung Quốc ở vùng dịch.

Ngành công an phối hợp với ngành y tế, thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát ngay từ cửa khẩu, chia sẻ thông tin về lộ trình, nơi lưu của những khách nước ngoài nghi ngờ lây nhiễm nCoV; ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh.

Bộ GTVT thực hiện tốt khuyến cáo trên các chuyến bay, nhất là việc thực hiện các chuyến bay đi/đến từ Trung Quốc ở các nước để phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, trên tinh thần “tuân thủ theo thông lệ quốc tế và Việt Nam đặt cao hơn một mức”.

Bộ GD&ĐT tăng cường thông tin, hướng dẫn các lưu học sinh tại Trung Quốc.

“Quan trọng nhất là các cấp chính quyền, trực tiếp là chủ tịch UBND tỉnh, nhất là những tỉnh có nhiều khách du lịch đến từ Trung Quốc, phải quan tâm chỉ đạo các lực lượng hết sức cảnh giác, chặt chẽ, không được chủ quan, phải làm tốt, nghiêm ngay từ đầu" - phó thủ tướng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm