VKS đề nghị miễn hình phạt, toà giảm án, cho hưởng án treo

Ngày 22-6, TAND TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm vụ Trần Lê Trọng Hiếu (sinh năm 1979, nhân viên thu cước dịch vụ VNPT, được tại ngoại) tham ô tài sản do có kháng nghị của VKS.

Sau khi xử sơ thẩm bị cáo Hiếu không kháng cáo mức án bốn năm tù. Tuy nhiên Viện trưởng VKSND TP.HCM có kháng nghị xem xét lại tính chất mức độ và hoàn cảnh bị cáo bệnh hiểm nghèo, hiện tổn thương cơ thể 95%.

Từ đó, Viện đề nghị cấp phúc thẩm theo hướng áp dụng thêm điểm g khoản 1 Điều 51, Điều 59 BLHS xét miễn hình phạt đối với bị cáo.

Đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị. Ảnh: H.Y

HĐXX nhận định kháng nghị trong thời hạn luật định. Về nội dung, xử phạt bị cáo về tội danh là đúng. Bị cáo phạm tội không phải do thiên tai, dịch bệnh nên không thể xem là phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà kháng nghị nêu. Đối với hành vi phạm tội bị cáo cần xử phạt nghiêm không chấp nhận kháng nghị.

Tuy nhiên bị cáo bị ung thư giai đoạn cuối, đã khắc phục hậu quả nên xem xét giảm mức hình phạt. Từ đó, HĐXX sửa án, tuyên bị cáo Hiếu 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 5 năm.

Theo hồ sơ, Hiếu được giao nhiệm vụ thu cước dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin (gồm thu cước phát sinh và thu nợ nếu có); phát hóa đơn, hóa đơn điện tử, hóa đơn chuyển đổi (nếu có).

Quy trình là sau khi thu tiền cước của khách hàng phải gạch nợ ngay trên máy Pos, giao biên nhận thanh toán cho khách hàng, giữ lại biên nhận xác nhận giao dịch tài khoản thành công để đối chiếu với ngân hàng khi cần thiết. 

Hàng ngày phải chủ động tổng kết số tiền thu cước trên máy Pos trước 15g30 để ngân hàng chuyển tiền thu cước trong tài khoản ký quỹ của Hiếu cho Trung tâm Kinh doanh VNPT TP.HCM. Nếu tiếp tục thu sau 15g30 sẽ tổng kết số lượng thêm 1 lần vào cuối ngày. 

Sau khi tổng kết, không được hủy đối với các mã đã thanh toán giao dịch và phải nộp đầy đủ số tiền thu được trong ngày vào tài khoản thẻ ký quỹ.

Từ ngày 1-9-2018 đến 1-11-2018, sau khi thu được cước phí và tiến hành gạch nợ trên máy Pos để in biên nhận đã thanh toán cho khách hàng, Hiếu nhiều lần thực hiện hủy trên hệ thống máy Pos nhưng không hủy trên hệ thống thu cước của VNPT đối với 46 khách hàng, chiếm đoạt 124,7 triệu đồng. 

Theo kháng nghị, trong quá trình bị điều tra xác định Hiếu bị ung thư vòm hầu, tỉ lệ tổn thương cơ thể do bệnh là 95%. 

Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng quận 3 không xem xét miễn trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 điều 29 BLHS đối với bị cáo. 

Số tiền chiếm đoạt, bị cáo sử dụng vào mục đích chữa bệnh và đã cùng gia đình khắc phục hết sau nửa tháng khi bị phát hiện (khi chưa khởi tố vụ án, bị can - PV). Cấp sơ thẩm không áp dụng điểm g khoản 1 điều 51 BLHS phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra đối với Hiếu là có thiếu sót.

Điểm d khoản 3 điều 5 Nghị quyết số 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, bị cáo thuộc trường hợp xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt.

Nội dung này được quy định tại điều 59 của BLHS đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 51 của BLHS. Cụ thể: "Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm