VKS được điều tra tham nhũng trong tư pháp

Theo đó, Quốc hội cho phép cơ quan điều tra (CQĐT) VKSND Tối cao được điều tra tội tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp và tòa án có quyền thu thập, bổ sung chứng cứ…

Không điều tra tham nhũng ngoài hoạt động tư pháp

Trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình tiếp thu, chỉnh lý, sửa đổi dự thảo Luật Tổ chức VKSND sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho hay qua thảo luận có nhiều ý kiến đề nghị giao CQĐT VKSND Tối cao thẩm quyền điều tra đối với tội phạm chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cùng với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì đồng thời cũng xảy ra hành vi phạm tội về chức vụ như các tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ… Vì vậy việc giao cho CQĐT VKSND Tối cao điều tra tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp là cần thiết, bảo đảm tính đồng bộ, liên tục trong việc giải quyết các vụ án.

Về đề xuất của các đại biểu nên giao cho CQĐT VKSND Tối cao thẩm quyền điều tra cả các vụ án tham nhũng xảy ra ngoài hoạt động tư pháp do CQĐT khác đang điều tra mà sau khi nhận hồ sơ vụ án, VKS phát hiện bỏ lọt tội phạm hoặc oan sai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là không phù hợp. Bởi nếu mở rộng thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSND Tối cao như kiến nghị trên sẽ dẫn đến chồng chéo với thẩm quyền điều tra của các đơn vị điều tra chuyên trách thuộc Bộ Công an, đồng thời làm kéo dài việc điều tra vụ án.

“Dự thảo luật đã quy định VKS có quyền yêu cầu cơ quan đã điều tra vụ án tiến hành các biện pháp khắc phục. Nếu đã yêu cầu mà chưa được khắc phục thì VKS có quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định truy tố. Điều này phù hợp với quy định của BLTTHS hiện hành, bảo đảm khách quan, kịp thời trong việc giải quyết vụ án” - ông Hiện nhấn mạnh.

Theo Luật Tổ chức VKSND sửa đổi, VKSND Tối cao được điều tra tội tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Ảnh: HTD

Tòa án có quyền thu thập, bổ sung chứng cứ

Về đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi theo hướng tòa án có thẩm quyền điều tra để thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự nếu xét thấy cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay: Theo quy định của Hiến pháp 2013, tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trong tố tụng hình sự, tòa án thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của BLTTHS.

“Dự thảo luật không quy định tòa án có chức năng, nhiệm vụ “điều tra để thu thập chứng cứ” như CQĐT hay VKS là phù hợp với quy định của Hiến pháp, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của tòa án với CQĐT và VKS” - ông Hiện nói.

Tuy nhiên theo ông Hiện, theo BLTTHS, tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Vì vậy bổ sung quy định tòa án có quyền thu thập, bổ sung chứng cứ khi xét cần thiết theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định là hợp lý.

Hết nhiệm kỳ: Được làm việc thêm một thời gian

Theo nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức TAND sửa đổi và nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức VKSND sửa đổi được Quốc hội thông qua cùng ngày, những thẩm phán TAND Tối cao hết nhiệm kỳ kể từ 1-1-2014 được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến 1-6-2015. Các thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp hết nhiệm kỳ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi được xem xét, bổ nhiệm theo quy định của Luật Tổ chức TAND sửa đổi trước 30-9-2015.

Kiểm sát viên VKSND Tối cao, các kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên sơ cấp hết nhiệm kỳ được kéo dài nhiệm kỳ cho đến khi được xem xét, bổ nhiệm lại theo quy định của Luật Tổ chức VKSND sửa đổi. Việc xem xét, bổ nhiệm lại các kiểm sát viên này phải thực hiện xong trước 30-9-2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm