Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng lâu nay Chính phủ vẫn đánh giá tình hình tham nhũng các năm na ná nhau. Nhiều năm liền đánh giá chung chung, mang tính định lượng ít, định tính nhiều. Chẳng hạn, “đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu”, “đã từng bước hạn chế”… Về nguyên nhân Chính phủ cũng nói na ná của năm ngoái.
Trong kê khai tài sản, bà Nga cho rằng cử tri khó chấp nhận được chuyện với trên 944.000 người kê khai mà chỉ có năm người thuộc diện kê khai phải xác minh tài sản thu nhập, trong đó có một người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực; sáu người do vi phạm thời hạn chậm tổ chức việc kê khai.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Chống tham nhũng đừng nói chung chung, bàn mãi không ra, tốn kém tiền bạc của dân. Ảnh: THU HẰNG
Còn các giải pháp Chính phủ đề ra, theo bà Nga cũng không mang tính đột phá, còn chung chung giống mọi năm. “Chúng ta xác định tham nhũng là quốc nạn, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ… thì giải pháp phải mang tính tương ứng với thực trạng, nguy cơ ấy. Chính phủ cần đề xuất những giải pháp mang tính cụ thể và đột phá” - bà Nga nói. Cụ thể hơn, bà Nga đưa ra một giải pháp liên quan đến phòng, chống tham nhũng là sử dụng công nghệ trong phòng, chống tham nhũng như hệ thống camera. “Đồng thời phải có địa chỉ cụ thể những đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa làm được. Cũng như năm ngoái chúng ta không đưa ra địa chỉ cụ thể nào nên không ai ngại báo cáo này, không ai sợ đánh giá này, vì nó không chỉ ra một người nào cả” - bà Nga nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cũng đề nghị trong từng việc một, Chính phủ phải nói rõ được gì, chưa được gì, nguyên nhân vì sao, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp thế nào. Như vậy mới giải quyết được các vấn đề hiện nay. “Còn nếu cứ để chung chung thì chúng ta ngồi đây nói hoài, bàn mãi không ra, tốn kém tiền bạc của dân” - bà Tâm bày tỏ.
Nói đến tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng một trong những vấn đề cử tri còn bức xúc hiện nay là tình trạng tham nhũng vặt, nạn lót tay, “bôi trơn”. “Tôi gặp 10 người dân thì hết tám người bức xúc vì chuyện này. Người dân nói đi đâu, làm gì cũng phải có gì đó nhưng khi hỏi cô bác ai đòi hỏi thì cô bác không chỉ. Hỏi vì sao thì cô bác nói có gì đó cho nhanh việc. Điều này là do thủ tục hành chính nhiêu khê, vấn đề minh bạch trong xử lý hồ sơ còn những ngóc ngách, góc khuất, khe hở cho cán bộ nhũng nhiễu dân” - bà Tâm nói.
T.HẰNG - T.NGUYỆT