Viện trưởng VKS TP.HCM vừa kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm vụ việt kiều Mỹ buôn lậu siêu xe của TAND cùng cấp.
Cụ thể TAND TP.HCM xử sơ thẩm phạt Bùi Lê Việt Khôi (Kenny Khôi, 36 tuổi, cựu Trưởng phòng kinh doanh ôtô Công ty Dương Đông - Sài Gòn) 3 năm 7 tháng 9 ngày tù về tội buôn lậu. Các bị cáo là Việt kiều Mỹ gồm Đậu Ngọc Tố, Hàn Quang Án, Nguyễn Minh Hiếu, Võ Thị Huyền Trinh và Nguyễn Đức Thắng bị tuyên phạt 300 triệu đồng thay cho hình phạt tù.
Liên quan vụ án, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Đinh Trường ( cựu trưởng Công an xã Lộc Thành và Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng), Đinh Văn Hồng (cựu phó Công an xã Lộc An) nhận mức án từ một năm 6 tháng tù treo đến 3 năm tù giam về cùng tội danh trên với vai trò đồng phạm. Cựu trưởng Công an xã Lộc An, Nguyễn Gia Thu lãnh một năm 6 tháng tù treo về tội giả mạo trong công tác.
Bị xác định cầm đầu đường dây, song Helena Phạm, Mai Thị Ái, Nguyễn Nhất Lĩnh (Việt kiều Mỹ) đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra truy nã, xử lý sau.
Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm tháng 6
Với các bị cáo là Việt kiều HĐXX cho rằng họ không hưởng lợi và chỉ làm theo chỉ đạo từ những người cầm đầu đường dây, thiếu hiểu biết pháp luật Việt Nam nên đồng ý đứng tên hồ sơ nhập khẩu xe hơi. Hiện nay các bị cáo không có việc làm và đang nhận hỗ trợ thất nghiệp của Mỹ nên được phạt tiền thay phạt tù.
Tuy nhiên trong kháng nghị VKS không đồng ý với nhận định trên của bản án. VKS cho rằng toà áp dụng các quy định của pháp luật để phạt tiền 300 triệu đồng đối với 5 bị cáo là không có căn cứ, vi phạm các quy định của BLHS. Trước đó tại phiên xử, đại diện VKS đề nghị phạt tù các bị cáo này từ hai đến năm năm tù.
Kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử theo hướng không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với 5 bị cáo trong vụ án buôn lậu.
VKS phân tích theo quy định tại khoản 4 điều 188 BLHS tội buôn lậu không quy định hình phạt tiền là hình phạt chính. Điều 35 BLHS quy định chỉ được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Trong khi 5 bị cáo này đều bị truy tố ở khung hình phạt thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, việc HĐXX chỉ tuyên buộc 7 bị cáo nộp lại số tiền 22,7 tỉ đồng tiền thuế của nhà nước bị thất thu là chưa đầy đủ căn cứ. Tất cả bị cáo bị truy tố tội buôn lậu đều có vai trò tham gia giúp sức tích cực cho Helena Phạm và Mai Thị Ái thực hiện hành vi nhập lậu 17 ôtô Land Rover, Lexus, Audi, BMW gây thất thu 22,7 tỉ đồng tiền thuế. Cho nên, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự như nhau.
"Nếu nhận định rằng chỉ các bị cáo thu lợi bất chính mới phải chịu trách nhiệm thì không phù hợp. Bởi vì HĐXX đã tịch thu sung công quỹ toàn bộ số tiền thu lợi bất chính mà các bị cáo chủ động giao nộp. Trong khi bị cáo Hàn Quang Án không hưởng lợi bất chính cũng bị tuyên buộc nộp tiền. Bên cạnh đó, Helena Phạm, Mai Thị Ái, Nguyễn Nhất Lĩnh đang bỏ trốn nên cần dành quyền khởi kiện dân sự cho những bị cáo bị tuyên buộc trách nhiệm dân sự khi xét xử ba bị can bỏ trốn sau khi bắt được..."- kháng nghị, nêu.
Buôn lậu siêu xe hơi Như PLO đã phản ánh lợi dụng quy định người Việt định cư tại nước ngoài được phép nhập khẩu về nước một ô tô đang sử dụng miễn thuế, các bị cáo đã thỏa thuận với các việt kiều đang sinh sống tại Mỹ để dùng thủ đoạn nhập khẩu xe theo diện hồi hương nhằm thu lợi bất chính. Đường dây này đã nhập lậu 17 xe sang như Land Rover, Lexus, Audi, BMW... trị giá gần 51,2 tỉ đồng, trốn thuế gần 22,8 tỉ đồng. Helena Phạm thông qua một số người tại Việt Nam câu kết với nhiều cán bộ công an thuộc các xã Lộc Thành, Lộc Quảng, Lộc An và Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) nhập khẩu thường trú khống cho 17 việt kiều Mỹ. Các cán bộ này còn giúp sức trong việc xác nhận các đơn xin phép nhập khẩu 14 ô tô theo diện hồi hương. Điều này giúp cho Helena Phạm cùng đồng phạm buôn lậu thành công số ô tô này với giá trị gần 43 tỉ đồng, trốn thuế hơn 19,1 tỉ đồng. Tương tự, Phạm Thị Ái cùng đồng phạm buôn lậu thành công 3 chiếc "siêu xe" với giá trị hơn 8,2 tỉ đồng, trốn thuế gần 3,7 tỉ đồng. |