VKS muốn... khỏi xin lỗi công khai

Ông Nguyễn Thanh Cần là nhân vật bị truy tố oan trong vụ án “trộm tiền của vợ” mà Pháp Luật TP.HCMđã nhiều lần phản ánh vừa nhận được tiền bồi thường oan 153 triệu đồng. Nhưng cách mà cơ quan làm oan là VKSND tỉnh Tây Ninh ứng xử với ông khó có thể coi là thể hiện thiện chí, thành tâm.

Viện đồng ý bồi thường và xin lỗi công khai

Như đã phản ánh, vợ chồng ông Cần đang giận nhau nhưng vẫn ở cùng một nhà tại phường Ninh Thạnh (TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh). Tháng 5-2012, do cần tiền nhưng vợ không chịu đưa nên canh me lúc vợ vắng nhà, ông Cần cưa két sắt lấy tiền và vàng (tổng giá trị hơn 1 tỉ đồng) đem đi chôn giấu. Khi vợ hỏi, ông Cần nói không biết nên vợ đi báo công an. Qua điều tra, công an kết luận chính ông Cần là người đã lấy tiền và ra sau vườn đào lấy tài sản lên. Ông bị truy tố và bắt tạm giam về tội trộm cắp tài sản. Tháng 8-2012, ông bị TAND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm, tuyên phạt bảy năm tù. Bản án này bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) tuyên hủy.

Quá trình tố tụng vụ án này, báo Pháp Luật TP.HCM đăng nhiều bài phân tích cho rằng hành vi của ông Cần không phải là tội phạm. Bởi tài sản ông lấy của vợ là tài sản chung của vợ chồng nhưng cơ quan tố tụng không chứng minh được ông Cần có bao nhiêu tài sản trong đó…

Đến đầu tháng 7-2013, TAND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm lần thứ hai đã tuyên bố ông Cần không phạm tội. VKSND cùng cấp kháng nghị theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Tháng 10-2013, tại phiên xử phúc thẩm, đại diện VKSND Tối cao đã rút kháng nghị của VKSND tỉnh Tây Ninh. Vì vậy, tòa đình chỉ xét xử phúc thẩm, tuyên bố ông Cần vô tội như án sơ thẩm đã tuyên. Đến lúc này ông Cần đã bị ngồi tù oan 376 ngày.

Sau đó, ông Cần đã yêu cầu cơ quan làm oan phải bồi thường nhưng mãi hơn hai năm sau mới có kết quả. Sau khi thương lượng, ngày 24-4-2015, VKSND tỉnh đã ra quyết định bồi thường oan cho ông 153 triệu đồng (gồm tổn thất cho 376 ngày bị tạm giam, thiệt hại do tổn hại về sức khỏe và tiền thu nhập thực tế bị mất). Kèm theo bồi thường, VKS phải tổ chức buổi xin lỗi công khai và đăng lời xin lỗi ông Cần trên một tờ báo địa phương và một tờ báo trung ương trong ba kỳ liên tiếp.

Ông Nguyễn Thanh Cần sau khi nhận tiền bồi thường từ VKSND tỉnh Tây Ninh. Ảnh: TT

“Họ năn nỉ tôi miễn tổ chức xin lỗi công khai”

Chiều 30-12-2015, đại diện VKSND tỉnh Tây Ninh đã lập biên bản giao cho ông Cần toàn bộ số tiền bồi thường nói trên. Người trao tiền là ông T. - đại diện cho VKSND tỉnh trước sự chứng kiến của một cán bộ Phòng PC45 Công an tỉnh.

Sau khi nhận tiền, ông Cần đã phản ánh rằng cách hành xử của VKSND tỉnh khiến ông bức xúc.

Trình bày với Pháp Luật TP.HCM, ông Cần cho biết sau khi có quyết định bồi thường, ông nhiều lần liên hệ với VKSND tỉnh để yêu cầu được chi trả tiền nhưng đều nhận được câu trả lời về nhà chờ. Bất ngờ, đến ngày 25-12-2015 ông nhận được điện thoại của ông T. mời ông lên trụ sở VKSND tỉnh nói là có chuyện cần bàn.

Ông Cần kể: “Khi lên tới nơi thì họ nói tiền bồi thường của tôi sắp về nhưng năn nỉ tôi đồng ý việc miễn tổ chức xin lỗi công khai tại địa phương theo quy định. Họ nói là nhờ tôi giúp họ vì nếu tổ chức xin lỗi thì mất mặt cơ quan. Tôi nghĩ việc đó không cần kíp lắm nên đã đồng ý đề nghị này. Sau đó, đại diện VKSND tỉnh lập biên bản để tôi ký nhận rồi nói tôi về và đúng ngày 31-12-2015 lên trụ sở VKS tỉnh nhận tiền bồi thường oan”.

Vẫn theo lời ông Cần, sáng 30-12-2015 ông lại nhận được điện thoại của ông T. thông báo là lên nhận tiền. “Ông T. lại năn nỉ tôi xem xét để miễn cho VKS tỉnh khỏi phải đăng lời xin lỗi trên hai tờ báo trong ba kỳ liên tiếp theo quy định. Lần này tôi không chịu. Tôi nói như vậy là không công bằng, rằng tôi sẽ thông tin việc này cho các cơ quan báo chí. Cuối cùng thì đại diện VKS tỉnh không đề cập đến việc đó nữa mà tiến hành trao tiền cho tôi”.

“Tôi đã thông cảm nhượng bộ, miễn cho VKS việc xin lỗi công khai nhưng họ lại đòi hỏi thêm điều vô lý, trái với nội dung thỏa thuận bồi thường oan ngày 24-4-2015. Tôi nghĩ họ là cơ quan làm oan thì phải chủ động xin lỗi, bồi thường oan cho tôi chứ cứ lần lữa, năn nỉ thế là không được…” - ông Cần nói.

* * *

Vụ việc trên đây đặt ra một vấn đề pháp lý mới, đó là cơ quan làm oan có được và có nên chủ động thương lượng với người bị oan để được miễn xin lỗi công khai hay không? Bởi việc thương lượng, thỏa thuận đúng là quyền của đôi bên trong quan hệ dân sự nhưng xét cho cùng, tổ chức xin lỗi công khai và đăng lời xin lỗi trên báo lại là nghĩa vụ của cơ quan tố tụng khi đã lỡ làm oan công dân vô tội… Chúng tôi mong nhận được ý kiến  bàn luận về vấn đề này.

VKS sẽ xin lỗi công khai trên báo theo quy định

Chiều 2-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dựa - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh khẳng định do ông Cần vẫn giữ yêu cầu nên VKSND tỉnh sẽ thực hiện việc đăng lời xin lỗi công khai trên hai tờ báo theo quy định.

Ông Dựa cho biết theo đúng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì VKS tỉnh phải có trách nhiệm thực hiện ba việc là bồi thường tiền, xin lỗi tại địa phương và đăng lời xin lỗi trên hai tờ báo. Khi làm việc với ông Cần, đại diện VKS có hỏi rằng ông suy nghĩ xem thực hiện việc nào thì ông Cần nói là thực hiện hai việc, bồi thường và đăng báo xin lỗi (có biên bản thỏa thuận giữa hai bên).

Ông Dựa cũng xác nhận ngày 30-12-2015 VKS có đề nghị thêm về việc không xin lỗi trên báo nhưng ông Cần không chịu. “Nếu ông Cần đã không đồng ý thì chúng tôi sẽ thực hiện theo yêu cầu của ông” - ông Dựa nói.

Nhà báo không được tham dự

Ngày 1-1, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một PV báo T. xác nhận ngày 30-12-2015 sau khi ông Cần điện thoại báo tin đến nhận tiền, PV này có đăng ký với VKS tỉnh xin được vào tác nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan này không đồng ý với lý do là việc nội bộ giữa VKS với ông Cần. Do vậy, “chiều đó tôi phải ngồi ở phía ngoài trụ sở VKS, chờ sau khi ông Cần nhận tiền xong mới hỏi chuyện để lấy thông tin”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm