Công lý phải được thực thi đúng luật!

1. Khi anh Nguyễn Thanh Cần ở Tây Ninh bực vợ và mở két sắt lấy vàng, anh không ngờ câu chuyện riêng tư của gia đình anh lại trở thành vấn đề pháp lý được báo Pháp Luật TP.HCM chuyển tải. Vợ anh thì càng không ngờ chồng mình bị tù tội chỉ vì “trộm tiền của vợ” .

Một cuộc chiến pháp lý thật sự nổ ra với hàng chục bài phân tích, mổ xẻ trên báo. Cuối cùng, các cấp tòa đã đồng tình với quan điểm của báo Pháp Luật TP.HCM: Chồng lén lút lấy tài sản chung của cả hai vợ chồng thì không bị tội trộm cắp tài sản. Ngày được tòa tuyên trắng án sau 376 ngày tù oan, anh Cần nói: “Cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM, nếu không có quý báo, chưa biết giờ này tôi ra sao!”.

Anh Cần chỉ là một trong rất nhiều trường hợp được Pháp Luật TP.HCM tham gia đấu tranh để minh oan. Có vụ đơn giản chỉ là quan điểm áp dụng pháp luật, trong đó cơ quan tố tụng đã hiểu sai luật nên kết tội oan. Có vụ thì phức tạp hơn, bởi trong giai đoạn điều tra, bị can, bị cáo lại nhận tội dù họ không hề liên can. Ra tòa, họ khai bị bức cung, nhục hình nên phải nhận tội.

 
Anh Nguyễn Thanh Cần và vợ trong ngày anh được trả tự do sau 376 ngày tù oan. Ảnh: PHAN THƯƠNG

2. Một thời gian dài, Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều vệt bài phân tích, kiến nghị cần thực thi nghiêm túc quy định cho luật sư tham gia ngay từ giai đoạn điều tra để chống bức cung, nhục hình, chống oan sai. Chuyện bức cung, nhục hình không dễ “bắt tận tay, day tận cánh”. Đơn giản vì chuyện ấy diễn ra giữa bốn bức tường hỏi cung, nơi chỉ có điều tra viên và nghi can/bị can. Ra tòa, bị cáo tố bị bức cung, nhục hình; tòa: “Bằng chứng đâu?”. Vậy là xong!

Thực trạng luật sư bị làm khó khi muốn vào cuộc ngay từ giai đoạn điều tra sau đó, được chấn chỉnh theo hướng tích cực. Đây là “thắng lợi” bước đầu trong hành trình kiến nghị của báo chí nói chung và Pháp Luật TP.HCM nói riêng…

3. Từ khi xảy ra vụ dùng nhục hình ở Phú Yên, vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ bảy thanh niên ở Sóc Trăng không giết người mà vẫn nhận tội…, vấn đề bức cung, nhục hình trở nên “nóng” hơn. Sau những phản ánh của báo chí, trong đó có tiếng nói kiên trì, mạnh mẽ của Pháp Luật TP.HCM, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát về án oan, về thực trạng bồi thường oan. Từ đó, Quốc hội phân tích, mổ xẻ, đề ra những biện pháp chống oan sai, trong đó có việc chống bức cung, nhục hình.

Gần đây nhất, lần đầu tiên quyền im lặng của nghi can/bị can/bị cáo được đưa vào dự thảo BLTTHS (sửa đổi). Cùng với đó, dự luật cũng đưa vào quy định bắt buộc phải có luật sư tham gia tố tụng ở hầu hết các tội danh trong BLHS (chứ không chỉ đối với trường hợp bị can/bị cáo bị khởi tố, truy tố về tội có khung hình phạt lên đến tử hình; bị can, bị cáo chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần như luật hiện hành). Nếu những điều luật nói trên được thông qua, đây quả là một bước tiến mới của nền tố tụng nước nhà.

Ai cũng biết đấu tranh với tội phạm là hành trình cam go. Nhưng không vì vậy mà cán bộ tố tụng tự cho mình cái quyền tùy nghi sử dụng các biện pháp ngoài luật, phi luật để chứng minh tội phạm. Ngoài việc vi phạm quyền con người, điều này còn tiềm ẩn nguy cơ làm oan người vô tội và đánh mất cơ hội tìm kiếm công lý cho gia đình nạn nhân.

Tiệm cận gần nhất với công lý là mục đích, mục tiêu cao nhất của tố tụng. Nhưng để đạt được mục đích ấy thì mọi biện pháp thực thi phải đúng luật. Không thể khác hơn!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm