Những ‘viên gạch’ cải cách tư pháp

Trước năm 2002, các bị cáo bị tạm giam ra tòa thường bị còng tay, mặc áo tù sọc đen sọc trắng. Thậm chí cả những vụ mà tòa tuyên bị cáo vô tội, cảnh sát bảo vệ vẫn… còng tay bị cáo dẫn giải về trại tạm giam để làm thủ tục trả tự do.

1.      

Theo Hiến pháp, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa đã có hiệu lực pháp luật. Dù có phải ra trước tòa thì bị cáo vẫn cần được tôn trọng như một công dân bình thường.

Từ tháng 6-1999, Pháp Luật TP.HCM đã có những bài phản ánh, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia đề nghị cơ quan chức năng sử dụng cái còng một cách nhân văn. Sau đó, báo cũng có nhiều bài viết đề xuất cho bị cáo bị tạm giam được mặc thường phục khi ra tòa.

Nghị quyết 08 ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp khẳng định: “Khi xét xử, các tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan”. Từ đó, những hình ảnh phản cảm nói trên dần biến mất. Tại phiên tòa hình sự ngày nay, cái còng chỉ được sử dụng trong trường hợp rất hãn hữu, còn áo tù thì đã “tuyệt chủng”!

 
Các bị cáo trước vành móng ngựa hiện nay không còn phải mặc áo tù. Ảnh: HTD

2.      

Trước thời điểm nước ta bắt đầu cải cách tư pháp, phiên tòa hình sự diễn ra đúng nghĩa là phiên tòa buộc tội. Bị cáo chỉ được trả lời kiểm sát viên, HĐXX là “có” hoặc “không”. Tòa xét hỏi theo kiểu dồn ép bị cáo nhận tội như cơ quan công tố thứ hai. Bị cáo kêu oan thì bị người tiến hành tố tụng nạt nộ, quát mắng, vị thế, vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự rất thấp, ý kiến của họ thường bị chủ tọa phiên tòa cắt ngang, hạn chế thời gian phát biểu. Kiểm sát viên từ chối tranh luận, chỉ “bảo lưu quan điểm”. Ý kiến của luật sư không được tòa ghi nhận trong bản án. Ngay cả chỗ ngồi của luật sư trong phòng xử cũng thấp hơn chỗ ngồi của đại diện VKS...

Tất cả vấn đề này đều được Pháp Luật TP.HCM phản ánh, kiến nghị sửa đổi quy định, có cơ chế để đảm bảo quyền con người; nâng cao vai trò, vị thế của luật sư. Nghị quyết 08, tiếp đó là Nghị quyết 49 (ngày 2-6-2005) của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 khẳng định nguyên tắc “phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”. Từ đó mới xuất hiện những “phiên tòa mẫu” thể hiện sự thay đổi rõ rệt cả về hình thức lẫn nội dung theo hướng dân chủ, bình đẳng. Đến nay, quyền tố tụng, quyền bào chữa của bị cáo, luật sư đã được tôn trọng và bảo đảm hơn.

Song hành cùng công cuộc cải cách tư pháp, vẫn còn rất nhiều vấn đề pháp lý mà chúng tôi đang đeo bám để thông tin, có sự phản biện phù hợp nhằm góp phần xây dựng nền tố tụng văn minh, dân chủ. Đó là phát triển án lệ, nâng chất tranh tụng, quyền im lặng của nghi can, nguyên tắc suy đoán vô tội…

Xác tử tội và quy định nhân đạo

Trước thông tin dư luận râm ran “để lấy được xác tử tội, thân nhân của họ phải tốn hàng chục triệu đồng cho cò”,  từ tháng 2-1998, Pháp Luật TP.HCM đã có những bài điều tra phanh phui chuyện này. Pháp luật về quản lý xác tử tội không rõ ràng đã tạo điều kiện cho những kẻ xấu trục lợi bất chính... 12 năm sau, Luật Thi hành án hình sự 2010 đã có quy định cho phép thân nhân tử tội được nhận tử thi về mai táng (trừ một số trường hợp cụ thể).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm