Phối hợp ‘tác chiến’ tìm sự thật

Nguồn tin chỉ cung cấp vậy chứ không nói rõ danh tính nạn nhân, nơi xảy ra sự việc. Thăm dò các nguồn tin trong các ngành nội chính, nơi nào cũng lắc đầu.

Dò thêm, biết địa chỉ nạn nhân ở xã Hòa Đồng, tôi cùng một đồng nghiệp báo Người Lao Động tức tốc lên đó. Trên đường đi tôi gọi điện thoại đăng ký làm việc với chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Phú Yên. Ông chánh văn phòng từ chối với lý do đang bận họp. “Sự việc có liên quan đến công an, báo chí cần sớm biết quan điểm của công an tỉnh” - tôi nói. “Anh để tôi thu xếp sau” - ông chánh văn phòng bảo.

Tôi và đồng nghiệp chạy gần đến xã Hòa Đồng, ông chánh văn phòng gọi điện thoại: “Tôi chỉ có thể sắp xếp làm việc với anh trong vòng 10 phút, cuối giờ tôi bận rồi”. Từ nơi chúng tôi dừng lại nghe điện thoại đến Công an tỉnh Phú Yên phải hơn 20 cây số. Tôi đánh liều: “Anh cho tôi 10 phút di chuyển”. “Nếu muộn hơn là tôi vào họp tiếp đó!” - ông nói.

Nhà báo Tấn Lộc (trái) đang truy vấn trách nhiệm lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trong vụ sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng. Ảnh: XUÂN NGỌC

Chúng tôi phân công: Anh bạn đồng nghiệp nhờ dân chở đến xã Hòa Đồng tìm nhà nạn nhân, tôi phi xe đến công an tỉnh. Thực sự lúc này tôi chưa có thêm thông tin cụ thể nào. Khi tôi vừa bước vào phòng ông chánh văn phòng cũng là lúc tin nhắn đầu tiên từ đồng nghiệp gửi đến tóm tắt sự việc. Tôi dùng những thông tin ấy để “hỏi chuyện” người phát ngôn.

Cứ thế, anh bạn đồng nghiệp nhắn thêm thông tin đến đâu tôi chất vấn đến đó. Lúc đầu, người phát ngôn từ chối cung cấp thông tin với lý do “chưa nắm sự việc”. Nhưng khi tôi đưa hàng loạt thông tin cụ thể thì ông thay đổi thái độ. Hầu hết câu hỏi của tôi đều nêu sự việc rồi đề nghị lãnh đạo công an tỉnh xác nhận hoặc cho biết quan điểm...

Liên tiếp nhiều ngày sau đó, cứ buổi sáng chúng tôi thu thập thông tin, tư liệu rồi buổi chiều làm việc với chánh văn phòng công an tỉnh để truy vấn trách nhiệm những người liên quan đến cái chết của nạn nhân. Hơn hai tuần sau, giám đốc Công an tỉnh Phú Yên có cuộc làm việc chính thức với PV, xác nhận Thanh tra Bộ Công an đã vào cuộc. Gần một tháng sau, khi về tỉnh Phú Yên, một cục phó của Cục Điều tra VKSND Tối cao đã chủ động gọi điện thoại gặp tôi để hỏi thêm một số thông tin liên quan...

Đó là những cuộc tác nghiệp đầu tiên trong hành trình đi tìm sự thật về cái chết của nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Bây giờ thì sáu sĩ quan công an, trong đó có một thượng tá - phó Công an TP Tuy Hòa chuẩn bị ra trước vành móng ngựa trong phiên tòa phúc thẩm lần 2 sắp tới…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm