Sáng 21-12, phiên toà xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền đối với 23 bị cáo do Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm thực hiện xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) tiếp tục với phần đối đáp giữa đại diện VKS với các Luật sư (LS).
Theo đó, đại diện VKS vẫn giữ nguyên toàn bộ quan điểm luận tội khẳng định 23 bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền là đúng. Và đây là quan điểm xuyên suốt của VKS từ đầu vụ án cho đến nay.
Đại diện VKS TP.HCM tham gia phiên toà. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Nói về vấn đề các LS và nhiều bị cáo yêu cầu xử lý trách nhiệm của các địa phương nơi thực hiện “dự án” đã buông lỏng quản lý dẫn đến hành vi sai phạm, đại diện VKS cho biết hồ sơ vụ án thể hiện cơ quan chức năng các địa phương không im lặng trước những “dự án” của Luyện.
Điều này thể hiện ở việc cơ quan chức năng đã ra nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hành vi chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, hành vi làm đường trái phép trên đất nông nghiệp. Quyết định của chính quyền địa phương cũng buộc người vi phạm khôi phục tình trạng ban đầu của thửa đất.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra vụ án, để làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân tại ba tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã có công văn gửi cơ quan điều tra của ba tỉnh này để xem xét điều tra.
Bên cạnh đó, khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp từ các hộ dân, các cá nhân đã kê khai số tiền chuyển nhượng thấp hơn thực tế đã giao dịch. Về vấn đề này, cơ quan điều tra đã tách ra để điều tra về tội trốn thuế trong vụ án khác.
Về phía các bị hại, theo đại diện VKS, vụ án này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại nên việc có những bị hại cho biết không làm đơn tố cáo mà chỉ là đơn tường trình thì việc này không ảnh hưởng đến việc khởi tố vụ án.
Về quyền của các bị hại, cũng theo VKS có những bị hại yêu cầu nhận đất, có những bị hại yêu cầu nhận tiền cũng có những bị hại từ chối quyền làm bị hại và không yêu cầu bồi thường thì VKS và HĐXX ghi nhận vì đây là quyền lựa chọn của các bị hại.
Về hình phạt theo VKS, khi đề xuất mức án trên cũng đã rất tâm tư đối với một số bị cáo có tuổi đời còn rất trẻ. Tuy nhiên, với tính chất, hậu quả gây ra mang lại hệ luỵ xấu cho xã hội và chính sách quản lý đất đai của Nhà nước, đồng thời xét tính chất và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng của các bị cáo nên Viện đã đề nghị mức án như đã nêu trước đó.