Vụ Alibaba: Vợ Nguyễn Thái Luyện kêu oan tội rửa tiền, VKS nói gì?

(PLO)-  Trước phần bào chữa của LS cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai kêu oan về tội rửa tiền, VKS cho biết toàn bộ dòng tiền của Công ty Alibaba là thu từ khách hàng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 21-12, phiên toà xét xử vụ án Nguyễn Thái Luyện cùng 22 bị cáo bị truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) tiếp tục với phần đối đáp giữa đại diện VKS và các luật sư (LS).

Kết thúc buổi sáng VKS đã hoàn tất phần đối đáp với tất cả những vấn đề mà LS bào chữa cho các bị cáo, LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, người có quyền vụ và nghĩa vụ liên quan đưa ra.

Theo đó, đại diện VKS vẫn giữ nguyên toàn bộ quan điểm luận tội khẳng định các bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền.

Toàn bộ số tiền thu về là từ khách hàng

Đối đáp lại những nội dung bào chữa của LS bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện, kêu oan tội rửa tiền), Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) và Huỳnh Thị Kim Thắng, VKS cho biết bị cáo Mai với vai trò là Giám đốc tài chính của Công ty Alibaba là người quản lý toàn bộ dòng tiền, kế hoạch đầu tư các dự án và là người thực hiện chi tiền để đầu tư các dự án đã thể hiện Mai là người giúp sức tích cực cho Luyện, là người chi phối, sử dụng toàn bộ dòng tiền mà khách hàng đã đóng vào Công ty Alibaba.

Trong buổi sáng 21-12, VKSND TP.HCM đã thực hiện tranh luận lại tất cả các bài bào chữa, bảo vệ của các LS. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trong buổi sáng 21-12, VKSND TP.HCM đã thực hiện tranh luận lại tất cả các bài bào chữa, bảo vệ của các LS. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ngoài ra, bị cáo Mai, Thắng là hai người trực tiếp chứng kiến sự việc cơ quan điều tra tiến hành khám xét trụ sở Công ty Alibaba. Với vai trò của mình Mai biết, nhận thức được việc công ty đang bị điều tra, có rủi ro về pháp lý, số tiền mà công ty thu về có hợp pháp hay không hợp pháp.

“Chính vì những hành vi của bị cáo mà hiện nay số tiền 13 tỉ Mai đã chuyển cho người khác, sử dụng với mục đích cá nhân mà cơ quan điều tra chưa thu hồi được”- VKS nêu.

Về vấn đề LS cho rằng số tiền 13 tỉ có nằm trong số hơn 2.400 tỉ đồng đã chiếm đoạt của khách hàng hay không, VKS cho biết qua quá trình xác minh, trong hồ sơ vụ án thể hiện tất cả dòng tiền mà Công ty Alibaba thu về có nguồn gốc từ các hợp đồng ký với khách hàng, các hoạt động khác đều không có.

“Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng trong tất cả 22 Công ty trong hệ thống mà Luyện chỉ đạo thành lập đều không phát sinh kinh doanh, không kê khai thuế mà chỉ nộp thuế môn bài. Do đó, toàn bộ số tiền mà Công ty Alibaba có được là từ tiền chiếm đoạt của khách hàng”- VKS khẳng định.

Đối với bị cáo Lực và bị cáo Thắng là hai bị cáo có vai trò giúp sức cho Mai rửa tiền.

Về phía bị cáo Lực, nếu như tại thời điểm trụ sở Công ty bị khám xét và điều tra, Lực không đồng ý rút tiền giúp chị dâu và dừng hành vi này lại thì hậu quả đã không xảy ra. Nhờ có sự giúp sức của Lực để Mai rửa tiền đã dẫn đến hậu quả không thu hồi được số tiền 13 tỉ đồng.

Tương tự đối với bị cáo Thắng, với vai trò là kế toán trưởng biết và quản lý được dòng tiền trong Công ty. Đồng thời cũng là người chứng kiến vào ngày Công ty Alibaba bị khám xét nhưng bị cáo vẫn giúp sức cho mai chuyển số tiền 13 tỉ (trong 2.4000 tỉ đồng) ra khỏi Công ty.

Tái khẳng định dự án là không có thật

Đại diện VKS cũng tái khẳng định trong vụ án này bị cáo Luyện là người duy nhất kêu oan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng trong tất cả 58 “dự án” (theo ngôn ngữ của các bị cáo) là không có thật, không đủ điều kiện chuyển nhượng, không chuyển mục đích sử dụng đất, không xin phép cơ quan có thẩm quyền…nhưng lại đi quảng cáo, truyền thông giới thiệu cho khách hàng là 100% thổ cư, pháp lý rõ ràng, an cư lạc nghiệp. Như vậy là đã đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

VKS xác định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà các bị cáo thực hiện hoàn thành ngay khi Công ty Alibaba nhận tiền từ khách hàng cho dù các hợp đồng thoả thuận chuyển nhượng này đã đến hạn hay hết thời hạn như cam kết trong hợp đồng hay chưa.

Dẫn chứng thêm về việc các dự án của bị cáo Luyện cùng đồng phạm không thể giao đất thổ cư cho khách hàng như đúng cam kết, VKS cho biết trong hồ sơ vụ án có những dự án đã triển khai và ký hợp đồng với khách hàng từ năm 2017 nhưng đến năm 2019 vẫn không thể giao đất cho khách hàng. “Đó cũng là lý do vì sao các Công ty trong hệ thống của Alibaba liên tục lập ra các dự án mới và có đến con số 58 dự án như hôm nay”- VKS nói.

Chiều nay, phiên toà tiếp tục với phần đối đáp lại của các LS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm