Ngày 6-4, nguồn tin của báo Tuổi Trẻ cho biết Cơ quan An ninh
điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh - cựu trung tướng, tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, để điều tra hành vi liên quan đến đường dây đánh bạc xuyên quốc gia với số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Ông Vĩnh bị khởi tố theo Điều 356 Bộ luật Hình sự với tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trung tướng Phan Văn Vĩnh, tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an. Ảnh: CAND
Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Minh Hương, Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ, cho biết "vẫn đang nghiên cứu".
Trong một diễn biến khác, báo Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với Văn phòng Chủ tịch nước để hỏi về khả năng tước quân hàm với tướng Vĩnh. Tin từ cơ quan này cho biết: "Việc này phải có quy trình, thủ tục. Chúng tôi sẽ thông tin khi có quyết định".
Trao đổi với chúng tôi chiều cùng ngày, về thông tin khởi tố ông Vĩnh, Thiếu tướng Lương Tam Quang, chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết Bộ Công an sẽ có thông tin chính thức sau trên cổng thông tin Bộ Công an.
Trước đó, ngay sau khi tống đạt quyết định khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an), vào ngày 15-3, cùng ngày, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với ông Hóa.
Như vậy, theo thông tin PV nắm được, tính tới thời điểm hiện tại, Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố 84 bị can trong vụ án nói trên, trong đó có ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an).
Ngoài ra, Công an tỉnh Phú Thọ cũng phát lệnh truy nã nhiều người trong vụ án sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền, sau khi xác định đã bỏ trốn.
Trong vụ án này, hai bị can được xác định có vai trò đứng đầu trong đường dây đánh bạc xuyên quốc gia là Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch Công ty VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư Phát triển an ninh công nghệ cao).
Điều tra bước đầu xác định Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam thành lập công ty với danh nghĩa nhập khẩu thiết bị công nghệ nhưng thực chất tổ chức đánh bạc trá hình với quy mô lớn qua mạng để thu lời bất chính.
Cụ thể, là người có nhiều
kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển các trò chơi trực tuyến, Phan Sào Nam đã ký hợp đồng cung cấp phần mềm và bản quyền game điện tử Rikvip, Tip.club cho Nguyễn Văn Dương.
Bằng số lượng người chơi cực “khủng”, số tiền giao dịch thông qua đường dây đánh bạc nói trên lên tới nhiều ngàn tỉ đồng. Trong đó, đến thời điểm hiện tại, công an xác định có 42.956.715 tài khoản người chơi thực trên hệ thống Rikvip/Tip.club (nếu trung bình một con bạc có ba tài khoản thì tổng số tương đương trên 14 triệu con bạc).
Tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là hơn 9.583 tỉ đồng (342 tỉ đồng/tháng), trong đó tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỉ đồng, chiếm 97%; tiền từ các
ngân hàng là 168 tỉ đồng, chiếm 1,75%. Tiền tham gia đánh bạc qua các đại lý được giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng, bước đầu xác định khoảng hơn 5.631 tỉ đồng.
Trong số này, các doanh nghiệp viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỉ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông); doanh nghiệp trung gian thanh toán hưởng khoảng 258,4 tỉ đồng (riêng GTS hưởng khoảng 217,8 tỉ đồng); nhóm Nguyễn Văn Dương hưởng khoảng 1.600 tỉ đồng; nhóm Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung hưởng khoảng 1.850 tỉ đồng; 2.645 tỉ đồng trả thường cho con bạc.
Sau khi chiếm hưởng, các đối tượng tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền, như đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua
bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài (Phan Sào Nam gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Bank of Singapore)…
Cơ quan điều tra đang xác minh về số tiền từng bên được hưởng để thu hồi theo quy định của pháp luật. Đến nay cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa, niêm phong tổng tài sản trị giá 1.238,8 tỉ đồng (gồm 1.046,2 tỉ đồng tiền mặt, 20 căn hộ trị giá 192,6 tỉ đồng) và 12 ô tô (chưa định giá).
Trung tướng Phan Văn Vĩnh sinh ngày 19-5-1955, quê Nam Định. Ông từng là giám đốc Công an tỉnh Nam Định. Năm 2011, ông Vĩnh được Bộ Công an bổ nhiệm chức vụ tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Ông Vĩnh từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII, thuộc Đoàn đại biểu Nam Định; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông Vĩnh nổi tiếng trong chỉ đạo triệt phá tội phạm. Trong quá trình hoạt động trong ngành, vụ án ghi đậm dấu ấn, vai trò của ông Vĩnh nhất chính là điều tra vụ thảm sát tại Bắc Giang do Lê Văn Luyện thực hiện. Trung tướng Vĩnh chính là trưởng ban chỉ đạo chuyên án đặc biệt nghiêm trọng này. Một vụ án khác cũng ghi đậm dấu ấn của ông là chuyên án bắt giữ “bầu” Kiên. Trong vụ này, ông là trưởng ban chỉ đạo chuyên án. Mới đây nhất, vụ thảm sát tại Bình Phước cũng ghi dấu sự lãnh đạo trong công tác phá án của ông Vĩnh. Tháng 4-2017, ông thôi giữ chức tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát để nghỉ chế độ. |