VKSND Tối cao rút kinh nghiệm trong áp dụng, thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh

(PLO)- VKSND Tối cao đã chỉ ra một số vi phạm, thiếu sót trong áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh tại một số VKS địa phương và yêu cầu rút kinh nghiệm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, VKSND Tối cao ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong kiểm sát việc áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh (BBCB).

Vẫn còn vi phạm thiếu sót mang tính hệ thống

Theo thông báo, qua trực tiếp kiểm sát tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương, VKSND Tối cao (Vụ 8) đã phát hiện một số vi phạm, thiếu sót mang tính hệ thống, kéo dài chưa được khắc phục triệt để trong thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Trong đó, có một phần trách nhiệm của cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh là VKSND và TAND.

VKSND-Toi-cao-hinh-minh-hoa.jpg
Ảnh minh họa: TRẦN NGỌC.

Cụ thể, ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh không đúng đối tượng. Đó là các trường hợp không đủ điều kiện chữa bệnh bắt buộc theo Điều 21, Điều 49 BLHS năm 2015 nhưng quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn điều tra, truy tố, VKS địa phương vẫn ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh dẫn đến cơ sở bắt buộc chữa bệnh phải tiếp nhận, điều trị.

Thực tiễn cho thấy từ việc tiếp nhận, điều trị của cơ sở chữa bệnh đối với các đối tượng không đủ điều kiện áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh dẫn tới việc nhà nước vẫn phải cấp kinh phí để điều trị và phải đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất. Như vậy, vừa gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và việc giải quyết vụ án bị kéo dài.

Điển hình như trường hợp: bị can Nông Văn Thánh bị khởi tố về tội giết người theo khoản 2 Điều 123 BLHS. Tại bản kết luận giám định pháp y tâm thần của Viện pháp y tâm thần Trung ương kết luận: “Tại thời điểm giám định bệnh ở giai đoạn ổn định, bị can đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi". Tuy không đủ điều kiện nhưng VKSND tỉnh Cao Bằng ra quyết áp dụng biện pháp tư pháp BBCB đối với Nông Văn Thánh.

Cạnh đó, theo VKSND Tối cao, có trường hợp đình chỉ việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh khi chưa đủ căn cứ. Cơ quan ra quyết định đình chỉ áp dụng biện pháp BBCB khi không có kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần sau điều trị bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại Điều 12 Nghị định 64/2011/NĐ-CP.

Việc đình chỉ đối tượng khi chưa đủ căn cứ xác định bệnh ổn định để tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phần nào đến ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng cũng như ảnh hưởng đến chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Cụ thể, TAND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) ra quyết định đình chỉ biện pháp BBCB đối với Nguyễn Thị Thanh căn cứ vào công văn về kết quả hội chẩn đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần. Việc căn cứ công văn này để ra quyết định đình chỉ thi hành biện pháp BBCB là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 64, mà phải căn cứ kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần về tình trạng sức khỏe tâm thần sau điều trị bắt buộc chữa bệnh.

10 năm mới được đưa đi điều trị

Đáng chú ý, VKSND Tối cao (Vụ 8) còn phát hiện có nhiều trường hợp, VKS ra quyết định áp dụng biện pháp BBCB nhưng trong thời gian dài đối tượng vẫn sinh sống tại địa phương, chậm được đưa đến cơ sở điều trị bắt buộc để điều trị. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trật tự xã hội, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác điều trị tâm thần; vụ án bị kéo dài, chậm được giải quyết.

Điển hình là trường hợp bị can Trần Văn Thực bị VKSND huyện Đan Phượng, TP Hà Nội áp dụng biện pháp BBCB theo quyết định ngày 20-5-2014. Đến ngày 10-11-2023 (sau gần 10 năm) Thực mới được đưa đi điều trị.

Tương tự là Lê Tuấn Anh (sinh năm 1987) bị VKSND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang áp dụng biện pháp BBCB theo Quyết định ngày 13-12-2018 nhưng đến 27-6-2023 (sau gần 5 năm) mới được đưa đi điều trị bắt buộc (tính từ khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đến khi đưa đi bắt buộc chữa bệnh đã hết thời hiệu).

Yêu cầu viện trưởng VKSND các tỉnh thực hiện một số nội dung

Những nội dung tương tự nêu trên VKSND Tối cao (Vụ 8) đã thông báo rút kinh nghiệm trong năm 2023 nhưng đến nay một số VKS, tòa án địa phương vẫn còn để xảy ra vi phạm, thiếu sót tương tự.

Do đó, VKSND tối cao (Vụ 8) yêu cầu viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 28-6-2021 của Viện trưởng VKSND Tối cao về tăng cường trách nhiệm, hiệu quả thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp BBCB trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Đối với những trường hợp VKS ra quyết định áp dụng biện pháp BBCB không đúng quy định cần ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp tư pháp BBCB. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm, nghiêm khắc kiểm điểm, chấn chỉnh khắc phục.

Kiểm sát chặt chẽ TAND cùng cấp và cấp dưới trong việc ra quyết định áp dụng biện pháp BBCB. Đồng thời, tiến hành rà soát và chỉ đạo VKS cấp dưới tiến hành rà soát, kịp thời phát hiện những trường hợp áp dụng biện pháp BBCB, không đúng quy định của pháp luật để hủy bỏ hoặc yêu cầu tòa án hủy bỏ theo quy định.

Rà soát những trường hợp đã có quyết định áp dụng biện pháp BBCB nhưng chưa được đưa vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh, để kiên quyết yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện ngay đưa người vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm