VKSND Tối cao vừa ra thông báo rút kinh nghiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Qua theo dõi công tác này của VKSND địa phương, VKSND Tối cao nhận thấy còn một số tồn tại cần rút kinh nghiệm.
Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Theo quy định tại Điều 476 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của kiểm sát viên, kiểm tra viên, Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp huyện, quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng VKSND cấp huyện (quyết định giải quyết kháng nghị lần 1)… Còn quyết định giải quyết tố cáo (QĐGQTC) của Viện trưởng VKSND cấp huyện không phải là đối tượng giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của VKSND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian qua có VKSND cấp tỉnh ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với QĐGQTC của Viện trưởng VKSND cấp huyện là không đúng quy định.
Trường hợp VKS cấp trên căn cứ vào Điều 483 BLTTHS để kiểm tra việc giải quyết tố cáo của VKS cấp dưới thì kết thúc việc kiểm tra phải ban hành kết luận; nếu phát hiện QĐGQTC không đúng, không đầy đủ thì căn cứ vào Điều 7 Luật Tổ chức VKSND và Điều 41 BLTTHS hủy bỏ QĐGQTC của VKS cấp dưới để yêu cầu giải quyết lại nội dung tố cáo.
Về việc sử dụng biểu mẫu
Hiện tại công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp có hệ thống biểu mẫu khiếu tố (ban hành kèm theo Quyết định số 204 ngày 1-6-2017 của Viện trưởng VKSND Tối cao) và hệ thống biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch (TTLT) số 02 ngày 5-9-2018.
Tuy nhiên, khi sử dụng hệ thống biểu mẫu thì cần lưu ý việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự sẽ áp dụng biểu mẫu của TTLT số 02.
Về việc ký văn bản
Việc này thuộc thẩm quyền của các chức danh tư pháp là viện trưởng hoặc phó viện trưởng ký thay khi được viện trưởng giao hoặc kiểm sát viên ký thừa lệnh viện trưởng khi được viện trưởng ủy quyền.
Thời gian qua, một số địa phương lại ký với chức vụ trưởng phòng hoặc chánh thanh tra. Một số VKSND cấp tỉnh ban hành quyết định trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại CQĐT, tòa án lại phân công chánh thanh tra, phó chánh thanh tra làm trưởng đoàn mà không ghi chức danh kiểm sát viên là không đúng quy định vì chánh thanh tra, phó chánh thanh tra là chức vụ quản lý nội bộ ngành, không phải chức danh tư pháp để thực hiện hoạt động kiểm sát.
Ngoài ra, VKSND Tối cao đề nghị VKSND địa phương ghi đầy đủ, đúng yêu cầu về nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại theo hướng dẫn của biểu mẫu quyết định giải quyết khiếu nại.