Anh quê Thái Bình, chị ở Hải Dương, hiện hai vợ chồng chị Thái sống tại Hà Nội. Kết hôn 4 năm, đây là cái Tết thứ 3 chồng chị không đồng ý cho vợ về bên ngoại. Năm đầu tiên sau cưới, được nghỉ gần một tuần nhưng anh chỉ đưa vợ về quê ngoại trong nửa ngày mùng 2 để chúc Tết bố mẹ và ông bà vợ, sau đó trở lại nhà nội ngay cho tới ngày đi làm.
Năm thứ hai, do chị mới sinh con hơn một tháng nên chồng và bố mẹ anh không cho phép đưa bé đi đâu. Năm ngoái, chồng chị cũng bắt vợ con về quê nội ngay hôm nghỉ Tết, cho tới ngày mùng 5 mới về quê ngoại rồi hôm sau đi Hà Nội luôn. "Giao thừa năm nào cũng khóc vì nhớ, thương bố mẹ. Nhà mình neo người, thằng em đi xuất khẩu lao động mấy năm rồi, Tết có hai ông bà hiu hắt ngóng trông. Năm nào gần Tết cũng tranh cãi đòi được về ngoại vài hôm mà chồng không cho. Anh ấy bảo Tết nhất định phải về nội, thích về nhà ngoại để dịp khác, rồi viện cớ con nhỏ không cho đi lại nhiều, hại sức khỏe", chị Thái than thở.
Năm nay, quyết tâm làm "cách mạng" để được về đón giao thừa cùng bố mẹ, từ nửa tháng trước, chị Thái hết ngọt nhạt thuyết phục chồng đến nói lý, làm găng... nhưng anh không đồng ý, còn thách thức: "Cô muốn về ngoại không ai giữ, nhưng nhớ đi một mình, cấm dẫn con theo". "Gần Tết mà không khí gia đình nặng nề vô cùng. Mình chán chẳng buồn sắm sửa gì. Cũng không biết có quyết tâm được đến cùng không. Lòng dạ ngổn ngang, vừa thương bố mẹ, thương con và cả tội nghiệp cho cái thân mình nữa", chị Thái chia sẻ.
Ảnh minh họa: Familytreecounseling.com. |
Mới cưới được 5 tháng, vợ chồng Bình vốn quấn nhau như đôi sam nhưng cả tuần nay không ai nói với ai lời nào vì chuyện ăn Tết ở đâu. Quê Bình ở Hải Phòng, còn chồng tận Hà Tĩnh. Lấy chồng xa, sau đám cưới, Bình bàn với chồng sẽ không đi tuần trăng mật, để dành tới Tết về thăm bố mẹ đẻ. Cô lên kế hoạch từ 25 Tết, sau khi nghỉ làm sẽ về thẳng nhà chồng, tới hết mùng 2 sẽ qua nhà mình đến hôm đi làm. Khi biết điều này, mẹ chồng Bình giận dữ, gọi điện nói năm đầu nàng dâu phải ở trọn Tết tại nhà chồng, đi chào hỏi họ hàng, lo cúng lễ.
Không muốn phật ý bố mẹ, chồng Bình năn nỉ vợ làm theo và hứa bù đắp cho vợ về nhà ngoại vào dịp khác, nhưng cô vợ trẻ nhất định không nghe. "Tết là ngày đoàn tụ, những dịp khác về ý nghĩa đâu như Tết. Cứ nghĩ tới việc này là mình tức ứa nước mắt. 28 năm đón Tết cùng bố mẹ rồi, sao tự dưng bắt mình phải về nhà người khác phục dịch, không đoái hoài gì tới đấng sinh thành", Bình ấm ức.
Bình cho hay, vì lo con gái mới lấy chồng không được lòng gia đình thông gia, bố mẹ đẻ khuyên cô không cần về, nhưng Bình chẳng đành lòng. "Nhà có 2 đứa con gái, chị lớn lấy chồng xa năm ngoái về, năm nay không về được rồi, mình lại đi biền biệt nữa thì ba mẹ buồn thế nào. Hơn nữa, sang năm lỡ mình có bầu hay sinh bé, họ sẽ lại biện lý do không cho về thì sao", Bình lo lắng.
Cũng vì chuyện về quê ai đầu năm mà gia đình anh Thành (Minh Khai, Hà Nội) lục đục cả tuần nay. Nhà vợ cách Hà Nội 40 km, trong khi nhà chồng ở Thanh Hóa nên thi thoảng cuối tuần, ngày nghỉ ngắn, cả nhà anh vẫn về nhà ông bà ngoại. Những dịp nghỉ dài ngày, anh Thành thường lên kế hoạch đưa các con về chơi với ông bà nội. Tuy nhiên, đợt này nghỉ 9 ngày, vợ anh dự tính sẽ ăn tất niên với ông bà ngoại vào 28 rồi 29 về nhà nội, sau đó mùng 3 sẽ trở lại quê ngoại tới hôm đi làm.
"Năm ngoái đã ở Tết nhà ngoại rồi (vì vợ vừa sinh bé thứ 2 chưa đầy tháng), năm nay phải về với ông bà nội chứ. Thế mà vợ nhất định không nghe, còn lý luận ai cũng có bố mẹ, Tết cô ấy về quê nội thì mình cũng phải nghĩ cho vợ và ông bà ngoại. Hai đứa chẳng ai chịu ai, tới giờ vẫn chưa thống nhất", anh Thành kể.
Nhà tâm lý Văn Thanh Sỹ, đường dây tư vấn 1088 TP HCM cho rằng, tâm lý con người bình thường không có áp lực nào thì suy nghĩ thấu đáo, ít cáu gắt hơn. Trước Tết, các cặp vợ chồng rất dễ cãi nhau vì phải chịu quá nhiều áp lực, lại mệt mỏi về cả thể chất và tinh thần do có nhiều việc (dọn dẹp nhà cửa, công việc cơ quan, đối nội đối ngoại...), tâm lý dao động.
"Ngay từ những chuyện đơn giản như chọn sơn nhà màu gì, mua mứt nào, bàn ghế sắp ra sao... cũng khiến các cặp vợ chồng dễ gây gổ, chưa nói tới vấn đề rất nhạy cảm là ứng xử với hai bên, quyết định về ăn Tết bên nội hay ngoại", ông Sỹ chia sẻ.
Không những thế, theo nhà tâm lý, tranh cãi về ăn Tết bên nào thường rơi vào các cặp vợ chồng trẻ, kết hôn dưới 10 năm. Tết nguyên đán được coi là dịp đoàn tụ, là Tết của tình thân, nên hầu như ai cũng muốn được ở bên ruột thịt, những người gắn bó với họ đã vài chục năm. Từ đó nảy sinh mâu thuẫn giữa vợ chồng, vợ muốn về với bố mẹ đẻ, chồng cũng vậy.
Ngoài ra, lúc này cái tôi của mỗi người trỗi dậy. Suốt một năm, có thể mỗi người cố ém cái tôi lại, vợ cố gắng nhịn khi chồng nhậu nhẹt hay mua sắm đồ cho nhà nội, nhưng khi Tết về, cái tôi nổi lên, người phụ nữ có thể nghĩ, một năm qua mình đã cống hiến cho nhau rồi, giờ phải dành cho người thân, ruột thịt. Chị em muốn về nhà ngoại để bù đắp cho cha mẹ, anh em ruột. Người đàn ông thì đã lên sẵn kế hoạch về với cha mẹ mình. Mỗi người đưa ra một quyết định, bắt người kia theo mình.
"Mâu thuẫn, cãi cọ thì vợ chồng nào cũng gặp phải. Vấn đề là giải quyết khéo léo, đừng để những lý do trên chi phối, làm ngày Tết mất vui", nhà tâm lý nói. Theo ông, trước Tết, hai vợ chồng nên bình tĩnh ngồi lại bàn tính kế hoạch cho những ngày Tết. Nếu điều kiện thuận lợi, cả hai có thể cùng chia thời gian hợp lý để về được cả nhà nội và ngoại, còn không luân phiên năm nay ăn Tết bên này thì sang năm về bên kia.
Ngoài ra, để không quá mệt mỏi và chịu sức ép dịp gần Tết, mọi người không nên để mọi việc dồn hết vào cuối năm. Cần lên kế hoạch cho công việc, sắp xếp nhà cửa từ trước đó, để việc chuẩn bị đón năm mới không quá tất bật. "Hãy coi Tết là một trong những kỳ nghỉ của gia đình, làm sao để thời gian đó vợ chồng con cái thật vui vẻ, có những trải nghiệm ý nghĩa, gắn kết hơn, không quá quan trọng địa điểm ở đâu. Có khi, cả nhà không về bên nội hay ngoại mà tổ chức một chuyến du lịch cũng rất ý nghĩa", nhà tâm lý gợi ý.
Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Hồng Hà, chuyên gia tư vấn tâm lý thuộc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho rằng, khi mới kết hôn, vợ chồng cần có sự chia sẻ, trao đổi với nhau về cách ứng xử, đối đãi với hai bên nội, ngoại sao cho hợp lý. Hai người nên sắp xếp từ trước lịch của các ngày nghỉ dài trong năm như Tết dương lịch, 2/9... để có thời gian thư giãn và về thăm hai bên bố mẹ.
Theo bà Hà, trong tâm lý người Việt, nhất là ở các làng quê, Tết luôn có ý nghĩa rất thiêng liêng. Đó là dịp đoàn tụ, quây quần con cháu sau những tháng ngày xa cách, vất vả vì mưu sinh. Với người già, điều này càng quan trọng. Vì vậy, nếu không có lý do đặc biệt, gia đình bạn có thể sắp xếp để về ăn Tết với bên nội, bên ngoại hoặc nếu ở xa thì thay phiên nhau. Nếu điều kiện không về được, bạn nên mua sẵn quà biếu Tết cho gia đình chồng và nhớ gọi điện hỏi han, quan tâm, chúc Tết mọi người.
Theo Vương Linh (VNE)
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.