Phụ nữ TP “lười” sinh
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 6,4 con năm 1960 xuống còn 2,1 con vào năm 2006 và tiếp tục duy trì cho đến nay. Hiện nay, Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế (2,1 con/cặp vợ chồng), nhưng mức sinh còn rất khác biệt giữa các tỉnh, TP và các vùng miền. “Nếu như tại một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên mức sinh còn cao thì tại một số tỉnh, TP miền Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh đã xuống rất thấp.
Năm 2010, mức sinh khu vực thành thị đạt 1,77 con/phụ nữ và 1,86 năm 2013; vùng Đông Nam Bộ chỉ đạt 1,68 con/phụ nữ năm 2010 và 1,83 con/phụ nữ năm 2013. Các tỉnh như như Long An, Cần Thơ… tỉ suất sinh từ 1,5 - 1,6 con. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của TP.HCM năm 2011 là 1,3 con; năm 2012 là 1,33 con.
Theo ông Tân, kinh nghiệm thế giới cho thấy việc giảm sinh vừa là thành công nhưng cũng là thách thức nếu như mức sinh thay thế giảm quá thấp, việc vực dậy mức sinh sẽ vô cùng khó khăn.
Theo các chuyên gia nhân khẩu học, nếu mức sinh này không được cải thiện, sẽ dẫn đến nguy cơ dân số suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu dân số vàng ngắn lại, già hóa dân số diễn ra nhanh… gây bất lợi đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.
Hãy sinh đủ hai con
GS-TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em, cho rằng nên để các cặp vợ chồng được quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh.
Ông Cử lý giải từ năm 1961 đến nay, tức là hơn 50 năm qua, Việt Nam đã thực hiện chính sách giảm sinh, và đã đạt được mục tiêu “mỗi gia đình chỉ có 1-2 con” một cách vững chắc.
Mặt khác, từ 2015 trở đi, phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ, tuyệt đại đa số sinh từ năm 1975 trở lại đây. Đây là thế hệ mới, được giáo dục nói chung và giáo dục về dân số kế hoạch hóa gia đình nói riêng khá tốt.
Trả lời câu hỏi nếu để các vợ chồng tự quyết định số con liệu Việt Nam lại rơi vào cảnh bùng nổ dân số. Ông Cử khẳng định vợ chồng được quyết định số con có thể mức sinh sẽ tăng đôi chút nhưng không thể thay đổi xu hướng và đến mức bùng nổ dân số như trước. “Tôi nghĩ mỗi cặp vợ chồng hãy sinh đủ hai con là thích hợp” – ông Cử bày tỏ.
Trước đề xuất này, ông Tân cho biết ở góc độ quản lý nhà nước, Tổng cục sẽ xây dựng các chính sách trên cơ sở các quyền căn bản của con người và phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội và sự phát triển của đất nước.
“Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã xác định “chủ động, duy trì mức sinh thấp hợp lý”. Cụ thể là, đối với các tỉnh mức sinh còn cao, cần tăng cường giảm mức sinh và quyết tâm đạt được mức sinh thay thế. Đối với những tỉnh, TP đã đạt mức sinh thay thế, cần giữ vững và duy trì mức sinh đó, tránh rơi vào tình trạng mức sinh xuống quá thấp” – ông Tân cho biết.
Duy trì mức sinh thấp hợp lý
GS Nguyễn Đình Cử cho rằng nếu không nới lỏng chính sách dân số sớm, mức sinh sẽ ngày càng thấp. Hơn nữa, nếu thấp hơn mức sinh thay thế, nguy cơ Việt Nam sẽ đối mặt với chính sách một con “nghiệt ngã” dẫn đến mô hình 4-2-1 giống như Trung Quốc. Tức là cứ bốn người (ông bà nội, ngoại) mới có hai con và một cháu. Điều này sẽ phản ánh tỉ lệ già hóa dân số ở mức cao, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội.
Trước cảnh báo trên, năm nay tháng hành động quốc gia về dân số (tháng 12) năm 2014 Bộ Y tế lấy chủ đề là Duy trì mức sinh thấp hợp lý - Vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Theo đó, nếu duy trì mức sinh ở mức thấp hợp lý với tổng tỉ suất sinh khoảng từ 1,9-2,0 con/phụ nữ (mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có hai con) thì đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ ổn định ở mức 115-120 triệu người. Điều này sẽ phát huy được các lợi thế của dân số, đó là quy mô dân số sẽ ổn định, cơ cấu tuổi của dân số sẽ cân bằng, giảm dần được sự chênh lệch bất lợi mức sinh.
Theo Tổng cục dân số, kế hoạch hóa gia đình, nếu để mức sính tăng trở lại, tổng tỉ suất sinh có thể lên tới 2,3-2,5 con/phụ nữ, thì đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ ở mức quá cao khoảng 130-140 triệu người. Điều này sẽ gây ra các bất lợi đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và cơ cấu nhân khẩu học của đất nước. Ngược lại, nếu để mức sinh giảm xuống quá thấp, tổng tỉ suất sinh chỉ khoảng 1,35 con/phụ nữ, đến năm 2050 quy mô dân số nước ta sẽ khoảng 95-100 triệu người. Điều này dẫn đến suy giảm, thiếu nguồn lao động, giai đoạn cơ cấu dân số vàng ngắn lại, già hóa dân số diễn ra nhanh, bất lợi đối với sự phát triển của đất nước. |
HUY HÀ