Vợ chồng nghệ sĩ Mạnh Dung-Thanh Dậu: Gần 60 năm vẫn yêu như thuở ban đầu

(PLO)- Gần 60 năm bên nhau, câu chuyện tình yêu cũng như cách giữ lửa cho mái ấm luôn hạnh phúc của vợ chồng nhà giáo ưu tú Mạnh Dung và NSƯT Thanh Dậu khiến nhiều người ngưỡng mộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hơn 2 tiếng trò chuyện cùng Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung và NSƯT Thanh Dậu (cả hai đều là cán bộ nghỉ hưu Trường ĐH Sân khấu điện ảnh), nhìn cách hai người xưng hô anh-em ở tuổi tóc “muối nhiều hơn tiêu”, đôi mắt cười mỗi khi kể về nhau, thẹn thùng khi nhắc lại thuở thiếu niên, cách bà sờ tay ông để kiểm tra đã hạ sốt chưa… đủ để thấy họ lãng mạn, hạnh phúc nhường nào.

Nắm tay nhau vượt sóng gió cuộc đời

Nhắc lại chuyện xưa, NSƯT Thanh Dậu cho biết ông bà gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1957 tại đội thiếu niên do Sở Văn hóa TP Hà Nội thành lập và cùng sinh hoạt tập thể, cùng học chung với nhau trong suốt ba năm.

Đến năm 1960, cả hai tốt nghiệp và về công tác tại đoàn Chuông Vàng. Trong dàn diễn viên trẻ của đoàn ngày ấy, bà chỉ để ý và bắt đầu có tình cảm với chàng kép chính đẹp trai, cao ráo, hát hay Mạnh Dung.

Mặc dù rất thích ông nhưng bà ngại bị nói “cọc đi tìm trâu”, cũng như sự cấm đoán của đoàn khi đang học nghề chưa được yêu nhau nên bà chỉ dám thể hiện sự yêu mến ấy qua ánh mắt.

“Những năm sau, từ năm 1960 đến 1963, cô đi học một lớp múa. Khi đó, vấn vương lắm, một tuần chỉ về có một lần, khi ấy cô lại chạy về rạp Chuông Vàng 12 Hàng Bạc ngày đó chỉ để nhìn thầy làm gì” - NSƯT Thanh Dậu kể.

Phải đến khi nhờ một diễn viên trong đoàn mai mối, cả hai mới gặp riêng và ông đã ngỏ lời yêu bà.

Thế nhưng mối tình đó nhanh chóng bị đoàn phản đối và đưa ra kỷ luật. Gia đình NSƯT Thanh Dậu khi hay tin bà “bị dụ dỗ” bởi một chàng trai có gia đình không có truyền thống nghệ thuật cũng đề nghị với ban lãnh đạo “càng kỷ luật nặng bao nhiêu càng tốt”.

Sau đó, Mạnh Dung bị đình chỉ sáu tháng không được đóng kép chính và xuống làm trang trí, thiết kế mỹ thuật… Trong sáu tháng kỷ luật đó, bà vẫn luôn cận kề động viên và khẳng định vẫn luôn yêu ông.

Không chỉ phía đoàn cải lương, tình yêu của cả hai còn vướng phải sự phản đối từ phía gia đình NSƯT Thanh Dậu.

Bởi gia đình NSƯT Thanh Dậu đều theo nghệ thuật, chính vì vậy gia đình nữ nghệ sĩ muốn bà lấy một người “môn đăng hộ đối”. Dẫu vậy, bà vẫn quyết tâm yêu ông và bà chính là người gợi ý ông tổ chức cưới.

“Cưới thời bao cấp, cô tự đi làm bánh về xin phép bố mẹ, bố mẹ không vui, cô lén lấy hộ khẩu đi đăng ký kết hôn rồi mới dám nói. Khi mọi chuyện đã xong thì bố mẹ đành phải chấp nhận. Đoàn đứng ra tổ chức cưới cho thầy và cô vào tháng 1-1967” - NSƯT Thanh Dậu trải lòng.

NSƯT Thanh Dậu và Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung bên nhau đã gần 60 năm. Ảnh: VĂN HÀ
NSƯT Thanh Dậu và Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung bên nhau đã gần 60 năm. Ảnh: VĂN HÀ

Khi đã về chung một nhà, cuộc sống cơm áo gạo tiền của thời bao cấp lại thành thử thách của cả hai và khi sinh con đầu lòng lại càng khó khăn hơn.

Đó là những ngày phải gửi con lại Hà Nội để cùng đoàn nghệ thuật vào chiến trường Quảng Trị. Sau năm 1975, vợ chồng thầy cô lại tiếp tục gửi con để theo đoàn vào Sài Gòn.

“Đi diễn thì ở tập thể có đợt, con chỉ mới 7-8 tháng, vai diễn của cô không thay được nên phải ẵm con theo, mỗi khi con quấy thì thầy lại bồng ra rừng cao su, bờ tre để dỗ” - Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung tâm sự.

Sau khi học đạo diễn, ông chuyển công tác vào Nam, xa vợ con lần nữa. Dù lúc đó đang giữ chức trưởng đoàn cải lương và sắp được đề bạt lên chức phó giám đốc nhưng bà vẫn cương quyết bỏ hết để vào Nam cùng chồng.

Chiếc khăn kỷ vật và bí quyết giữ lửa hôn nhân

Bên nhau đã gần 60 năm, Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung (84 tuổi) và NSƯT Thanh Dậu (79 tuổi) vẫn xưng hô anh-em với nhau như thuở mới yêu. Ngồi trò chuyện, nói về ông, ánh mắt NSƯT Thanh Dậu vẫn đong đầy hạnh phúc, còn ông ngồi cạnh, thỉnh thoảng lại trao cho bà cái nhìn âu yếm.

NSƯT Thanh Dậu cho biết ngoài là nghệ sĩ thì vợ chồng ông bà vừa là tình vợ chồng, tình đồng chí, vừa là tình đồng nghiệp.

“Trong cuộc sống có sự tôn ti trật tự, vẫn là tôn trọng ý kiến của thầy, anh với em, cho đến bây giờ cũng vậy việc gì đưa ra dù thầy hỏi ý kiến, cô cũng phải suy nghĩ. Nếu không đồng ý, cô sẽ thuyết phục; thuyết phục không được cô sẽ không nói đến nữa.

Tình yêu phải gắn liền với tôn trọng thì sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình. Tranh luận với nhau như thế nào đi nữa thì cô và thầy vẫn tìm được phương pháp giải quyết. Không giận nhau nổi mấy tiếng đâu (cười) chứ nói một ngày thì hơi lâu” - NSƯT Thanh Dậu cho hay.

Đến bây giờ NSƯT Thanh Dậu vẫn còn giữ kỷ vật tình yêu từ thuở mới yêu.

Chiếc khăn tay kỷ vật được NSƯT Thanh Dậu cất giữ từ năm 1965 đến nay. Ảnh: VĂN HÀ
Chiếc khăn tay kỷ vật được NSƯT Thanh Dậu cất giữ từ năm 1965 đến nay. Ảnh: VĂN HÀ

“Năm 1965, khi chính thức yêu nhau rồi thì cô được thầy tặng chiếc khăn mùi soa và cô vẫn giữ được chiếc khăn cho đến bây giờ. Đó là chiếc khăn thầy diễn ở Lạng Sơn. Thầy mua hai chiếc khăn mùi soa, một chiếc màu trắng có hoa hồng yêu lắm và một chiếc màu đỏ tặng cô nhưng cô chỉ mới dùng chiếc màu đỏ” - NSƯT Thanh Dậu nói.

Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung cũng cho biết ông bà làm nghệ thuật nên rất hòa đồng, đi diễn ở đâu cũng có những buổi tụ họp. Cả hai luôn đồng hành trong những chuyến công tác, đi quay xa, bà luôn chăm lo cho ông từng bữa ăn, viên thuốc những lúc ốm đau.

Để có được hạnh phúc trong mỗi gia đình thì theo tôi, mỗi thành viên trong một gia đình hãy giữ nề nếp kỷ cương, sự tôn ti trật tự, tôn trọng, kính trên nhường dưới và đối xử với tất cả chòm xóm của mình nó mang một cái không khí một sự nhân văn, có văn hóa.

Nhà giáo ưu tú MẠNH DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm