Tính đến hết ngày 26-7, số người chết từ vụ vỡ đập dự án thủy điện Xepian Xe Nam Noy tăng lên 27, vẫn còn 131 người mất tích. Hơn 3.000 người vẫn đang chờ được cứu sau ba ngày bám trên các mái nhà tránh lụt.
“Bảy làng bị ngập, trong đó hai làng bị ngập rất nặng. Có khoảng 200 ngôi nhà trong các làng này và giờ chỉ còn 10 ngôi nhà còn đứng vững. Hôm nay chúng tôi phát hiện thêm một thi thể. Tôi nghĩ sẽ còn nhìn thấy thêm nhiều thi thể nữa một khi nước rút đi và đường sá dễ di chuyển hơn” - một nhân viên y tế đề nghị không nêu tên nói với AFP.
Vẫn còn hơn 3.000 người vẫn đang chờ được cứu sau ba ngày bám trên các mái nhà tránh lụt. Ảnh: REUTERS
Theo Văn phòng Điều phối Cứu trợ Nhân đạo Liên Hiệp Quốc, vì đường sá bị lụt phong tỏa nên chỉ có thể trông cậy vào thuyền và trực thăng để tìm kiếm cứu dân.
Nhiều nước trong khu vực đã gửi người và của chung tay hỗ trợ Lào khắc phục thảm họa, trong đó có Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc.
“Tôi đã nghĩ sẽ không ai quan tâm đến chúng tôi. Không ai biết về Lào… Nhưng mỗi ngày tôi lại nhìn thấy thêm người từ các nước đến giúp đỡ. Lòng tôi được an ủi phần nào” - AFP dẫn lời một người dân Lào.
Người dân Lào tại một trung tâm sơ tán. Ảnh: NYT
Tính đến ngày 26-7, Công ty Năng lượng Xepian Xe Nam Noy (PNPC) - liên doanh giữa Lào-Thái Lan và Hàn Quốc - vẫn giữ im lặng, “vẫn không có bất kỳ thông báo chính thức nào về sự cố” - theo Vientiane Times.
Bảy làng ở tỉnh Attapeu (Lào) bị ngập hoàn toàn sau khi đập dự án thủy điện Xepian Xe Nam Noy bị vỡ. Ảnh: ATTAPEU TODAY
Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ của Lào Khammany Inthirath ngày 26-7 nói công ty thực hiện dự án thủy điện Xepian Xe Nam Noy không thể né tránh trách nhiệm, cụ thể về chuyện bồi thường và các loại chi phí khắc phục khác. Sau phát ngôn của ông Khammany, một quan chức Công ty PNPC nói với báo chí rằng công ty sẽ tuân thủ luật pháp và các thỏa thuận mình đã ký.