Người dân kể tiếng vỡ đập ở Lào như tiếng bom nổ

Lúc đó Petchinda Chantamart biết có chuyện chẳng lành: Một trong những con đập mới xây gần làng cô ở phía Nam Lào đã vỡ.

Như tiếng bom nổ

Kể lại trải nghiệm kinh hoàng, Petchinda Chantamart (35 tuổi) cho biết cô nghe thấy một âm thanh vang dội như tiếng bom cách làng vài dặm. Tiếp đó, một âm thanh kỳ lạ khác vang lên, như một cơn gió mạnh. Chantamart linh tính có chuyện chẳng lành và lập tức nghĩ đến công trình đập thủy điện đang được xây dựng cách làng không xa.

Chantamart vội chạy đi gọi cửa nhà hàng xóm, thúc giục họ chạy đến vùng đất cao hơn. “Nước đang tràn về” - Chantamart hét lớn.

Một gia đình bị ảnh hưởng bởi trận vỡ đập tại nhà kho cà phê ở Paksong nhìn xa xăm. Ảnh: NY TIMES

Chỉ trong vòng nửa giờ, làng của Chantamart - Xay Done Khong - đã ngập trong biển nước sâu 9 m. Lúc này nước vẫn tiếp tục dâng cao.

Petchinda Chantamart và những người hàng xóm đã may mắn thoát khỏi trận lụt kinh hoàng gây ra bởi sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy. Nhưng nhiều người khác lại không may mắn như vậy, khi một con đập phụ bất ngờ gặp sự cố vào tối 23-7 khiến 500 triệu m3 nước đổ xuống vùng hạ lưu.

Trong đoạn video ABC Laos News đăng tải, một người phụ nữ trông thất kinh đang bước lên chiếc thuyền cùng đứa con của cô, nói rằng mẹ mình vẫn đang mắc kẹt trên một ngọn cây.

“Nước quá nhanh, chúng tôi chỉ có thể rời nhà và chạy trốn. Chúng tôi mất tất cả xe máy, đồ đạc, bò và heo” - AP dẫn lời Phon Vuongchonpu, người đã cùng gia đình 12 người của mình chạy trốn vì nước dâng tới mái nhà họ.

Một người mẹ ôm đứa con khi đang chờ thức ăn trong trại trú ẩn tạm thời ở Paksong. Ảnh: NY TIMES

Tại buổi họp báo hôm 25-7, Thủ tướng Thongloun Sisoulith cho biết đã có 26 người thiệt mạng, 131 người mất tích và hơn 3.000 người lâm cảnh màn trời chiếu đất. Nhiều người đã trèo lên trên mái nhà và cây cối sau khi nhiều ngôi làng và đồng ruộng nhấn chìm trong dòng nước lũ.

“Bước thứ hai của chúng tôi sẽ là thu hồi và nhận dạng những người đã chết nhưng hiện giờ chúng tôi phải gấp rút tìm ra những người còn sống trong khu vực” - Bounhom Phommasane, Chủ tịch huyện Sanamxay, nói với tờ Vientiane Times.

Cô Chantamart cho hay hàng trăm người dân làng cô đã kịp sơ tán nhưng 15 người vẫn đang mất tích, trong số đó có chín trẻ em. Cô không kịp chạy đến nhà những người này báo tin vì nước lũ dâng lên quá nhanh. “Tôi thật tình rất lo lắng cho họ” - cô nói.

Sau khi tìm đến vùng đất cao hơn, Chantamart và hàng trăm người khác được di tản đến thị trấn Paksong - nằm ở phía Tây đập thủy điện để trú tạm trong một nhà kho trống vốn được sử dụng để lưu trữ cà phê.

“Tôi không hy vọng rằng ngôi nhà của mình còn đứng vững. Tất cả căn hộ đều đã bị cuốn trôi” - Chantamart nói - “Mọi người đều rất sốc và sợ hãi”.

Lực lượng cứu hộ làm việc tại điểm ngập lụt do vỡ đập. Ảnh: REUTERS

Trong khi Thông tấn xã Lào đưa tin đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy đã vỡ thì một trong những công ty chính tham gia dự án xây đập - SK Engineering & Construction của Hàn Quốc cho biết họ sẽ điều tra xem con đập bị vỡ hay bị tràn do mưa lớn. Một ngày trước khi thảm họa xảy ra, tức 22-7, SK Engineering & Construction đã biết về các vết nứt đầu tiên trên đập phụ D của dự án đập Xe Pian-Xe Namnoy trên sông Xe Pian, họ bắt đầu sửa chữa đồng thời cảnh báo chính quyền, người dân địa phương. Thế nhưng việc khắc phục vết nứt gặp khó khăn vì mưa lớn và đường sá nguy hiểm.

International Rivers, một tổ chức phản đối chính sách xây đập thủy điện hàng loạt ở Lào, nói họ đã cảnh báo về cơn mưa lớn khiến nước dâng cao từ đêm 23-7. Tổ chức này cho hay đây được coi là bằng chứng cho thấy nhiều con đập ở Lào không được thiết kế để chống chịu thời tiết cực đoan.

Tình nguyện viên chuẩn bị thức ăn cho những người gặp nạn. Ảnh: AFP

Bảy ngôi làng ở huyện Sanamxay, thuộc tỉnh Attapeu (Đông Nam Lào) đã bị nhấn chìm trong biển nước và hơn 6.000 người phải di dời do thảm họa. Sự cố vỡ đập này còn ảnh hưởng tới hàng ngàn người dân Campuchia. Giới chức tỉnh Stung Treng, Campuchia đã tiến hành sơ tán khẩn 1.200 hộ gia đình sau khi nước đập dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy của Lào vỡ khiến mực nước sông Sekong tăng, gây lụt hai tỉnh Stung Treng và Ratanakkiri nước này.

“Những gì chúng tôi còn lại là mạng sống của mình”

Đêm 25-7, một trận mưa lớn trút xuống trên mái tôn của nơi tạm trú ở Paksong, nơi vài trăm người gặp nạn đang trú ẩn. Dù mới chiều nhưng bầu trời đã chuyển một màu tối tăm. Vài xe cứu thương chìm trong ánh hoàng hôn u ám để lại vệt dài ánh sáng màu đỏ và xanh mờ mờ nối đuôi nhau.

Bên trong căn lều tạm bợ, người già và trẻ em đang túm tụm nhau với đôi dép và quần áo lấm lem đất bùn, ăn cơm từ các bát nhựa. Một người thì ngồi trên tấm vải nhựa sọc xanh cam trải trên sàn bê tông, trong khi một số nhìn chằm chằm với ánh mắt vô hồn.

Một căn tin tạm bợ với các nồi cơm hấp đã được đặt tại bãi đậu xe có mái che của nhà kho. Chantamart buồn bã cho hay cô chẳng mấy hy vọng nhà mình hay làng cô sẽ còn gì sau thảm họa. “Mọi căn nhà đều đã tan hoang” - cô nói.

Cư dân sơ tán do vỡ đập tìm nơi trú ẩn ở thị trấn Paksong, tỉnh Champasak. Ảnh: AFP

Chantamart nói cô không chắc chắn ai là bên chịu trách nhiệm cho trận lụt này nhưng nói chính phủ và công ty tham gia xây dựng đập nên hành động thêm nữa giúp các nạn nhân.  

“Mọi người đều sốc, sợ hãi và xin lỗi cho nhau vì những mất mát của chúng tôi” - Chantamart nói trong khi các đứa trẻ trong bộ quần áo lấm lem vây quanh cô.

Khoảng 70% người dân làng cô là dân tộc thiểu số, chủ yếu là trồng lúa và cà phê, đôi khi họ cũng tìm một số việc làm công nhật, cô cho biết. Khamla Souvannasy, một quan chức làng Paksong, cho hay giới chức địa phương đang cố gắng hỗ trợ hàng trăm người tạm trú ẩn ở nhà kho nói trên. “Thời tiết là một trở ngại. Chúng tôi đang tìm nệm. Thảm họa đến quá nhanh. Không có cách nào chuẩn bị kịp cho điều đó song chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc và làm việc” - ông Souvannasy nói.

“Mọi người ở đây đã mất tất cả - gia súc, nhà cửa” - Den Even Den, một nông dân làng Xay Done Khong cho hay - “Những gì chúng tôi còn lại chính là mạng sống của mình”.

Theo Straits Times, việc dọn dẹp sau thảm họa sẽ rất phức tạp bởi khu vực này còn tồn dư khá nhiều bom mìn từ thời chiến tranh.

Xe Pian-Xe Namnoy là một trong số 70 nhà máy thủy điện được lên kế hoạch, đang triển khai hoặc đã được xây dựng ở Lào, hầu hết trong số đó thuộc sở hữu và điều hành bởi các công ty tư nhân, International Rivers cho biết.

Xe Pian-Xe Namnoy bao gồm các đập lớn trên ba nhánh của sông Mekong cũng như một số đập phụ nhỏ hơn. Đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy có tổng trị giá 1,2 tỉ USD, được khởi công từ tháng 2-2013 và dự kiến đi vào hoạt động năm 2019.

Đây là dự án liên doanh giữa Công ty Điện lực Ratchaburi của Thái Lan, Western Power của Hàn Quốc và tập đoàn nhà nước Lào Holding State Enterprise. Nhà máy thủy điện này có sản lượng 410 MW, trong đó 90% điện sẽ được xuất khẩu cho Thái Lan, phần còn lại hòa vào lưới điện địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm