Báo Vientiane Times (Lào) dẫn lời một quan chức địa phương ở tỉnh Attapeu cho biết tính đến sáng nay (25-7) đã có 19 thi thể được tìm thấy, trong khi hơn 3.000 người cần cứu trợ và 2.851 người khác đã được đưa đến nơi an toàn sau khi đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy bị vỡ tối 23-7 do mưa lũ kéo dài.
Trước đó, một quan chức cấp cao của chính phủ Lào cho biết chính phủ nước này lo ngại hàng chục người đã thiệt mạng. "Chúng tôi tiếp tục nỗ lực cứu hộ vào hôm nay nhưng tình hình rất khó khăn. Hàng chục người đã thiệt mạng. Con số có thể cao hơn"- quan chức này nói với Reuters.
Một chiếc thuyền sơ tán người mắc kẹt ngày 24-7. Ảnh: CNN
Lực lượng cứu hộ đang triển khai tàu thuyền khắp khu vực Attapeu để giải cứu những người mắc kẹt. Tuy nhiên, do địa thế khu vực xa xôi thuộc mũi Đông Nam nước Lào nên việc tiếp tế và viện trợ khẩn cấp cho hàng ngàn người mắc kẹt rất khó khăn.
Theo một báo cáo từ văn phòng hành chính ttapeu, 19 người được xác định thiệt mạng và hàng chục người còn mất tích.
Theo Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK (Hàn Quốc), một thành viên trong liên doanh PNPC, các kỹ sư đã vật lộn gần 24 giờ cố gắng ngăn chặn thảm họa. Các công nhân Công ty SK phát hiện một phần trên của một trong các con đập phụ của dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy bị vỡ và bị cuốn trôi từ lúc 9 giờ tối 22-7.
Những người gặp nạn trong vụ vỡ đập thủy điện Lào được sơ tán. Ảnh: CNN
SK đã ngay lập tức báo cáo với cơ quan chức năng và cho sơ tán người dân gần đó. Kỹ sư Công ty SK đã nỗ lực mang các thiết bị hạng nặng đến sửa chữa ngay trong đêm nhưng bị cản trở vì mưa lớn làm hư hại đường sá.
Đến trưa 23-7, Công ty SK cảnh báo chính phủ Lào có thể sẽ có thêm hư hại nữa. Nhà chức trách Lào bắt đầu sơ tán người dân quanh khu vực. Và nước bắt đầu tràn ra khỏi đập từ 6 giờ chiều 23-7. Đến sáng 24-7, bảy trong số 12 ngôi làng trong huyện San Sai, tỉnh Attapeu bị ngập.
Sau khi sự cố xảy ra, Công ty SK đã lập một đội quản lý khủng hoảng, triển khai trực thăng, thuyền cứu hộ, nhiều quan chức cấp cao từ Tập đoàn SK bên Hàn Quốc bay qua Lào để hỗ trợ cứu hộ. Cổ phiếu của Tập đoàn SK, tập đoàn mẹ của Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK, giảm 3,5% trong phiên giao dịch sáng 25-7.
Một phụ nữ luống tuổi bế một đứa bé tại một khu lều. Ảnh: CNN
Bên cạnh Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK, các công ty còn lại trong liên doanh thực hiện dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy là Công ty điện Ratchaburi (Thái Lan), Công ty điện Miền Tây (Hàn Quốc) và Công ty nhà nước Lao Holding State Enterprise (Lào). Cả Công ty SK và Công ty điện Ratchaburi ngày 24-7 đều nhận định con đập phụ bị vỡ vì mưa lớn liên tục.
Chuyên gia Lào Ian Baird, phó giáo sư về địa lý tại Đại học Wisconsin-Madison, nhận định với Channel News Asia rằng sự cố vỡ đập phụ này có thể sẽ không ảnh hưởng đến các hạ tầng khác của dự án nhưng công tác khắc phục hư hại của con đập có thể sẽ phải chờ đến khi hết mùa mưa.
Đập Xe-Pian Xe-Namnoy. Ảnh: Twitter
Đập Xe-Pian Xe-Namnoy. Ảnh: Twitter
"Tôi nghĩ là sự cố hiện tại không ảnh hưởng đến các đập khác. Mực nước trong hồ chứa hiện giờ đã xuống thấp. Tuy nhiên, tôi cho rằng khó có thể khắc phục hư hại ít nhất cho đến mùa khô" - ông Ian nói.
Theo dữ liệu của tổ chức Terra, Lào đã hoàn thiện xây dựng 11 đập thủy điện, đang xây dựng 11 đập khác và lên kế hoạch xây thêm nhiều đập nữa.
Dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy gồm hai đập chính và năm đập phụ, bắt đầu thi công vào năm 2013 và đã hoàn thành 90%, dự kiến đi vào vận hành vào năm 2019. Mưa lớn những ngày qua đã khiến một trong các đập phụ bị nứt và vỡ ra khiến 5 tỉ m3 nước xả xuống khu vực hạ lưu làm ngập sáu ngôi làng lân cận. Đa số nhà cửa ở phía Nam huyện San Sai bị nước lũ nhấn chìm khiến người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.