Cụ thể, đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu (Đông Nam Lào) hiện đang trong quá trình thi công thì bị vỡ vào khoảng 20 giờ tối 23-7, khiến 5 tỉ m3 nước trong đập tràn ra ngoài. Sự cố vỡ đập đã khiến sáu ngôi làng lân cận bị nước lũ nhấn chìm với hơn 1.300 hộ dân mất nhà, buộc phải di dời đến nơi khác.
Quy mô dự án khủng
Tọa lạc trên cao nguyên Bolaven, cách thủ đô Vientiane của Lào khoảng 550 km về phía Đông Nam, dự án được phát triển trên một diện tích rộng 238 ha, được cho thuê trong vòng 32 năm. Hồ chứa nước trên sông Xe Namnoy cao 73 m, dài 1.600 m và có khả năng chứa được xấp xỉ 1,043 tỉ m3 nước. Lượng nước này sẽ được lấy từ các lưu vực Houay Makchan và Xe Pian.
Đập thủy điện XePian XeNamnoy gồm ba con đập chính - Xe Pian, Xe Namnoy và Houay Makchan và ba con đập phụ nhỏ hơn. Đập bị vỡ tối 23-7 là con đập phụ của đập chính Xe Pian, được gọi với cái tên “đập yên ngựa D”.
Theo kế hoạch, dự án đập thủy điện này sẽ là nguồn sinh lợi cho Lào khi khoảng 90% lượng điện sản xuất ra sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan, phần còn lại được phân phối tại địa phương. Theo AFP, đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy có công suất thiết kế 410 megawatt, ước tính cung cấp khoảng 1.860 GWh điện/năm khi đưa vào sử dụng.
Hình ảnh thi công. Ảnh: CMVietnam
Dự án BOT đầu tiên của Lào với Hàn Quốc, Thái Lan
PNPC là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 3-2012 giữa Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK (Hàn Quốc), Công ty Điện Ratchaburi (Thái Lan) và công ty nhà nước Lao Holding State Enterprise (Lào). Đây là dự án BOT đầu tiên được thực hiện bởi các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Lào với chi phí ước tính lên đến 1,02 tỉ USD.
Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK là một công ty con của tập đoàn SK - một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc - từng xây dựng nhiều đập thủy điện trong và ngoài nước.
Hình ảnh thi công. Ảnh: CMVietnam
Con đập này được xây dựng từ năm 2013, dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm nay và bắt đầu chính thức hoạt động từ năm 2019. Chưa rõ lúc sự cố xảy ra con đập đã đi vào hoạt động hay chưa.
Hình ảnh thi công. Ảnh: CMVietnam
Một ngày trước khi con đập phụ của đập Xe Pian vỡ, Công ty Điện XePian XeNamnoy (PNPC) ra cảnh báo nước trong đập XePian có khả năng tràn vì mưa lớn.
Trong thông báo, ông Lee Kan Yeol – người đứng đầu phụ trách công tác tái định cư xây dự án thủy điện XePian XeNamnoy, nhân sự Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK – cảnh báo “con đập “bộ phận hình yên ngựa D” không an toàn và trong tình trạng rất nguy hiểm” vì mưa lớn.
Tuy nhiên, sau khi cảnh báo vừa được được ra chưa lâu thì sự cố đáng tiếc đã xảy ra mà không có bất cứ biện pháp nào ngăn chặn kịp thời.
Nỗi lo cho cả khu vực
Trong nhiều năm qua, Lào đã và đang lên kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, đặc biệt là trên sông Mekong, gây quan ngại cho các nước ở hạ lưu sông Mekong vì những tác động tiêu cực đến môi trường và nghề cá.
Tính đến nay, Lào được xem như một trung tâm thủy điện của khu vực khi có đến 11 đập thủy điện lớn trên dòng chính của sông Mekong và 120 đập nhánh đang được lên kế hoạch trong vòng 20 năm tới.
Một dự án thủy điện khổng lồ khác đang được xây dựng ở khu vực thị trấn Xayaburi do Tập đoàn CH Karnchang của Thái Lan làm chủ đầu tư, với mục tiêu biến Lào trở thành "nguồn năng lượng điện của Đông Nam Á". Thủy điện này có công suất 1.285 megawatt và tổng số tiền đầu tư 3,5 tỉ USD đã gây chia rẽ giữa các nước hạ nguồn sông Mekong, do nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái và mạng lưới sông địa phương.
Công ty CMVietnam đã hoàn thành xong hạng mục công trình Trong số các đơn vị thi công, có Công ty Cổ phần Xây dựng và Nhân lực Việt Nam - CMVietnam. Đăng tải trên trang web của mình, CMVietnam cho biết công ty này đã ký hợp đồng với Tổng thầu SK Engineering & Construction (Hàn Quốc) thi công gói 9 và gói 3 (Thi công xây dựng Nhà Máy, đường ống áp lực và trạm phân phối điện và thi công hệ thống cơ điện (M&E): điều hòa, thông gió, phòng cháy, chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc…) với giá trị hợp đồng là 385 tỉ đồng, có thời gian thi công là ba năm. Đến nay hai gói thầu này cơ bản hoàn thành và chuẩn bị bàn giao.
Cho đến sáng nay, 25-7, Công ty CMVietnam cho biết sự cố vừa xảy ra tại một hạng mục đập thuộc cụm đầu mối của dự án, cách khoảng 180 km từ vị trí CMVietnam đang thi công và không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến công việc, nhân sự và thiết bị của Công ty CMVietnam. Ngoài ra, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc công ty đã trực tiếp trao đổi và chia sẻ với nhà thầu chính SK Engineering & Construction, CMVietnam sẵn sàng chia sẻ, đồng hành cùng chính quyền địa phương Lào trong công tác cứu hộ cũng như khắc phục sự cố này. |