Có thông tin con đập thuộc dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại tỉnh Appateu (đông nam Lào) đã được phát hiện có vết nứt một ngày trước khi nó bị vỡ, trong khi công tác tìm kiếm cứu hộ ngày 25-7 tiếp tục diễn ra khẩn trương và khó khăn.
Đập bị vỡ là một đập phụ của dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, vốn có tổng cộng hai con đập chính và năm con đập phụ. Đập vỡ lúc 20 giờ ngày 23-7 khiến 500 triệu m3 nước tràn ra ngoài, gây ngập sâu sáu ngôi làng trong huyện San Sai của tỉnh Appateu khiến hơn 6.600 người phải vội vàng rời bỏ nhà cửa tìm đường thoát.
Người dân sơ tán sau khi con đập thuộc dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bị vỡ ngày 24-7. Ảnh: REUTERS
Hiện vẫn còn hàng trăm người mất tích và số người chết có lẽ đã lên tới hàng chục người, Reuters dẫn thông tin từ một quan chức chính phủ Lào.
“Hôm nay chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực cứu hộ nhưng rất khó khăn, điều kiện rất khó. Hàng chục người chết. Có thể sẽ còn cao hơn” - quan chức chính phủ Lào đề nghị không nêu tên nói với Reuters qua điện thoại từ thủ đô Vientiane.
Người dân tại trung tâm sơ tán sau khi con đập thuộc dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bị vỡ ngày 24-7. Ảnh: REUTERS
Truyền thông địa phương đưa các bức ảnh hàng loạt ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, người dân phải trèo lên mái chờ cứu. Một số cố gắng thoát bằng cách chèo các con thuyền gỗ đến nơi an toàn hơn.
Dự án xây dựng thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy được hợp tác giữa Lào và các công ty Thái Lan, Hàn Quốc.
Một quan chức Công ty Kỹ thuật và Xây dựng SK (Hàn Quốc) – một trong những đối tác xây dựng dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy - cho biết đã phát hiện có vết nứt trên con đập vào ngày 22-7 và ngay sau đó công ty đã khuyến cáo sơ tán 12 ngôi làng khi nhận thấy con đập có thể bị vỡ. Một phần con đập đã bị quét đi xa và công ty đang hợp tác với chính phủ Lào cứu hộ người dân, theo Reuters.
Người dân leo lên mái nhà tránh lụt sau khi con đập thuộc dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy vỡ làm nước tràn ra, ngày 24-7. Ảnh: REUTERS
Với tham vọng trở thành “cục pin của châu Á”, Lào được xem là một trung tâm thủy điện của khu vực khi thời gian qua đã xây dựng và đang lên kế hoạch xây dựng thêm nhiều đập thủy điện, theo Reuters. Phần lớn các dự án xây dựng thủy điện ở Lào đều phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các nhà thi công nước ngoài, với điều kiện sẽ xuất khẩu điện sang các nước, như Thái Lan.
Người dân tại trung tâm sơ tán sau khi con đập thuộc dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bị vỡ, ngày 24-7. Ảnh: REUTERS
Nói với Reuters, ông Brian Eyler – Giám đốc chương trình Đông Nam Á của tổ chức nghiên cứu chính sách Stimson Center (Mỹ) cho rằng vụ vỡ đập này là một cú sốc lớn với kế hoạch trở thành “cục pin của châu Á” của Lào.
Các tổ chức môi trường cũng thường xuyên cảnh báo về tác động của việc phát triển quá nhanh các đập thủy điện đến hệ sinh thái tự nhiên và cuộc sống con người trong khu vực.