Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HNG) vừa công bố thông tin về thực trạng tài sản của công ty sau vụ vỡ đập thủy điện tại Lào.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Attapeu (Lào), hai công ty trực thuộc HNG là Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu; Công ty TNHH Công nghiệp và Nông nghiệp cao su Hoàng Anh Quang Minh đang thực hiện các dự án trồng cao su, cọ dầu và cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Attapeu.
Tuy nhiên, phần lớn diện tích của các dự án đều tập trung tại các huyện Saysetha, Phu Vong và Sansay; cách xa khu vực xảy ra sự cố nên không bị ảnh hưởng.
Riêng một phần diện tích cao su nằm ở huyện Sanamsay bị ngập nước. Tuy vậy, HNG cho biết do cây đang ở tuổi trưởng thành nên cao su không bị ảnh hưởng nhiều và nước đang rút dần khỏi các diện tích cao su bị ngập.
Công ty sẽ tiến hành công tác chống úng ngay sau khi nước rút để đảm bảo vườn cây không bị ảnh hưởng.
Trong một diễn biến liên quan, dù bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào nhưng cổ phiếu HNG không bị ảnh hưởng nhiều, với giá xoay quanh mốc 16.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí phiên giao dịch cuối tuần ngày 26-7, cổ phiếu HNG tăng gần 7%, lên 16.350 đồng/cổ phiếu, với tổng giá trị giao dịch hơn 4 triệu cổ phiếu.
Được biết Hoàng Anh Gia Lai đang có tổng diện tích canh tác tại Lào gần 50.000 ha, riêng cao su chiếm 27.000 ha, còn lại là các loại cây ăn trái, bắp, cọ dầu.
Bầu Đức trồng nhiều cao su, cây ăn trái, bắp, cọ dầu...
Trước đó, 26 công nhân của Hoàng Anh Gia Lai bị mắc kẹt trong vụ vỡ đập thủy điện tại Lào đã được giải cứu. Toàn bộ 26 người bao gồm cả người Việt và người Lào, 16 nam, tám nữ và hai trẻ em đã được giải cứu an toàn trong tình trạng sức khỏe tốt.
Để giải cứu 26 công nhân và trẻ em mắc kẹt do vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu (Lào), bầu Đức đã thuê trực thăng. Trao đổi với báo chí, đại diện HAGL cho biết chi phí thuê máy bay để giải cứu các công nhân rơi vào “khoảng mười mấy nghìn USD”.