Để xem đội nhà thi đấu, họ phải rồng rắn lên TP Vinh với củ khoai và cơm nắm làm hành trang đi đường.
Đến khi tách tỉnh thì Hà Tĩnh leo mãi vẫn không có được đội mạnh và chuyên nghiệp vì cầu thủ cứ thích trôi về Vinh khoác áo SL Nghệ An. Niềm tự hào của Hà Tĩnh liên quan đến bóng đá là cái tên Ánh Cường ngày nào cùng Phạm Văn Quyến chơi ở đội U-16 Việt Nam rồi lên tuyển và mất hút dần khi trôi nổi qua nhiều CLB.
Tôi còn nhớ cái sân Hà Tĩnh từ thời ông Giám đốc Sở TDTT Mai Lê Túc hay bị ví là cái sân ruộng khi được tổ chức giải hạng nhì với trận tranh lên hạng giữa Long An và Bình Dương trong những năm 1990 thế mà người xem cứ như đi trẩy hội.
Sân Hà Tĩnh bán ra 14.000 vé nhưng chiều 12-6 có đến hơn 20.000 khán giả đến sân, tràn ra hết đường piste vào đến sát bảng quảng cáo. Ảnh: CTV
Không có đội nhà nhưng tình yêu bóng đá của người Hà Tĩnh là thế, huống chi là bây giờ họ có đội chuyên nghiệp hẳn hoi. Cái đội không xuất thân từ cái nôi bóng đá Hà Tĩnh nhưng đủ để cái sân ruộng ngày nào được cải tạo ráng bằng chị bằng anh. Rồi tiếp theo là thói quen xem bóng đá buổi chiều nay chuyển sang xem tối nhờ dàn đèn mới lắp đúng chuẩn chuyên nghiệp.
Người Hà Tĩnh chiều 12-6 đi xem bóng đá như trẩy hội. Các cộng tác viên ở Hà Tĩnh gào trong điện thoại “Vỡ sân rồi anh ơi!”. Tiếng gào thét mà anh em đồng nghiệp từng chinh chiến qua nhiều sân bóng khắp nước nói là tiếng gào hạnh phúc ở một nơi yêu bóng đá nồng nhiệt nhưng phải nhịn đói bóng đá từ rất rất lâu rồi.
Tội cho ban tổ chức sân chiều 12-6 lúng túng không xử lý kịp trước dòng người ồ ạt đổ đến sân.
Người Hà Tĩnh nói đó không còn là trận đấu mà là ngày hội bóng đá.
Thắng, thua cũng được, quan trọng là Hà Tĩnh bóng đã lăn.