Sau môn thi Ngữ văn nhiều học sinh ở Huế tỏ ra thích thú với câu hỏi về việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam..
Thí sinh Huế sau môn thi Ngữ Văn.
Kết thúc môn thi Ngữ văn, hầu hết các học sinh đều có nhận định chung là đề văn năm nay ngắn ngọn, vừa sức. Em Nguyễn Văn Nguyên, học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng, cho biết trong các câu hỏi đề văn em thích nhất là câu bày tỏ thái độ về tình hình biển Đông. Riêng câu này em làm rất tốt, vì từ ngày Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Em rất quan tâm vào theo dõi sát những diễn biến này. Em nghĩ các bạn khác cũng làm tốt như em, vì tình hình biển Đông không một người Việt nào không quan tâm…”.
Cùng quan điểm với Nguyên, em Trần Thị Thư, học sinh Trường THPT Quốc Học, cho biết đề văn năm nay vừa sức. Trong đó câu hỏi về biển Đông là câu hỏi thú vị nhất. Và em cũng đã dự đoán đề văn năm nay sẽ ra một câu hỏi xung quanh biển Đông, nên em làm rất tốt.
Em Nguyễn Thị Hà, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (huyện Phong Điền), cho biết việc tổ chức thi tại các địa phương như năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, ăn ở và tạo tâm lý tốt cho em khi bước vào làm bài thi…
Sáng 2-6, gần 15.000 thí sinh, tại 34 hội đồng thi ở khắp chín huyện, thị xã và TP Huế (Thừa Thiên – Huế) đã bắt đầu thi môn Ngữ văn, môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Đề Ngữ Văn hay, mới, có tính phân loại cao
TPHCM: Tại Hội đồng thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM hơn 10 giờ sáng, nhiều thí sinh đã rời phòng thi ra về với tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm.
Em Hoàng Ngân, lớp 12A9, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hồ hởi cho biết đề thi không khó lắm. Năm nay đề môn Ngữ Văn khác nhiều so với mọi năm, nhất là phần làm văn có sự kết hợp giữa nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Riêng phần đọc hiểu, đề đưa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, cụ thể là Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam rất hay và ý nghĩa. Học sinh nào cũng có thể nói được và bày tỏ được suy nghĩ của mình về chủ quyền của đất nước.
Đồng tính ý kiến này, Minh Hiền, lớp 12A12 cũng cho hay, đề khá nhẹ nhàng, dù hơi lạ nhưng không đặt nặng lý thuyết. “Em cũng không biết em làm được bao nhiêu điểm vì cách ra đề không dễ cũng không khó, ai không học bài cũng có thể làm được nhưng ai học bài nhiều cũng chưa chắc được điểm cao”.
Tại hội đồng thi trường THPT Marie Curie, nhiều học sinh lại cho rằng đề không khó nhưng khó có điểm cao. Em Hoàng Phương cho biết, em hơi bất ngờ về đề thi này. Ở phần làm văn, nội dung xoay quanh tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ. Đây là tác phẩm kịch, hầu như học sinh không chú trọng ôn thi, nhất là học sinh trung bình vì chủ yếu ôn các tác phẩm về thơ hoặc văn xuôi. Riêng phần một về biển Đông rất hay, cho học sinh có cơ hội được cập nhật kiến thức và thể hiện quan điểm của mình.
Một số giáo viên dạy Ngữ Văn tại TP.HCM đều nhận xét rằng đề Ngữ Văn năm nay hay, mới, có tính phân loại cao và kiểm tra chính xác năng lực của người học. Việc đề đưa vấn đề giàn khoan 981 của Trung Quốc vào đề thi đã thể hiện được tính thời cuộc, không máy móc theo sách vở. Qua đó, bài làm của học sinh cũng là giáo dục cho các em về chủ quyền quốc gia, các em được bày tỏ suy nghĩ và nắm bắt vấn đề kịp thời, đúng hướng nhất.
Đề thi Ngữ văn bám sát thời sự
Hà Nội: Theo đánh giá của các em học sinh Hà Nội thì đề thi năm nay vừa sức, chủ đề biển đảo được đưa vào đề văn khiến nhiều học sinh thích thú.
Đề thi năm nay gồm hai phần phần là: Đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm).
Câu hỏi ở phần đọc hiểu yêu cầu học sinh viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ về sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển của Việt Nam. Nhiều thí sinh thích thú với câu hỏi này vì các em đã được ôn tập kỹ và theo dõi nhều trên báo, đài trong thời gian qua.
Ghi nhận của Pháp luật TP.HCM tại điểm thi trường THPT Ngô Thì Nhậm, Hà Nội cho thấy hầu hết thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng vui vẻ phấn khởi. Đúng như dự đoán của rất nhiều học sinh, giáo viên, vấn đề Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép đã làm “nóng” trường thi, rất nhiều thí sinh tỏ vẻ hào hứng với đề tài này.
Em Lê Thị Hằng, cho biết đề văn năm nay vừa sức bám sát chương trình sách giáo khoa và tình hình thời sự. Đề thi cũng mở để học sinh được thể hiện suy nghĩ của mình. “Em thích nhất câu hỏi về biển đảo vì em có thể nói lên tiếng nói của mình góp phần lên án hành động sai trái của Trung Quốc”.
Thí sinh Nguyễn Văn Cường cho biết vấn đề biển Đông hiện đang nhận được nhiều quan tâm của cả dân tộc, trong đó có thế hệ học sinh, sinh viên, do vậy khá tự tin khi trình bày cảm xúc, suy nghĩ của mình. “Em cho rằng, việc làm của Trung Quốc đương nhiên là không thể chấp nhận được, vi phạm Công ước quốc tế về Luật biển, ảnh hưởng đến tình đoàn kết, hữu nghị của cư dân hai nước. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này, chúng ta không nên nóng vội mà cần hợp tác, đoàn kết hành động trên phương diện chính trị, hòa bình, không nên bằng bạo lực". Cường chia sẻ.
Theo nhiều giáo viên dạy văn, đề thi năm nay rất gần gũi, có tính thời sự cao, phần đọc hiểu ba điểm gần như “trúng tủ” với hầu hết thí sinh. Phần làm nhẹ nhàng và có tính triết lý, thí sinh có thể bày tỏ quan điểm một cách thoải mái. Đây đúng tính chất là một đề thi mở. Nếu có sự hiểu biết xã hội, hiểu tác phẩm học sinh dễ dàng làm được 8 điểm.
Hầu hết thí sinh khi được hỏi, đều cho biết rất tự tin với bài làm của mình, dự đoán điểm thi dao động trong khoảng từ 6-8 điểm.
Tuy nhiên, với cách ra đề thi này, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT cũng cần có những phương án chấm thi thật linh hoạt, đề thi thoát khỏi sách giáo khoa thì thang điểm chấm cũng cần không gò bó, khuôn mẫu.
VIẾT LONG - PHẠM ANH - HUY HÀ