Vậy giải pháp nào sẽ làm hạn chế tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, phải chăng chỉ cần điều chỉnh chính sách pháp luật hình sự. Nhiều chuyên gia cho rằng không chỉ chú trọng vào biện pháp chế tài mà phải ngăn chặn ngay từ nguyên nhân phát sinh ra chúng.
Cải thiện việc cấp vốn
Theo PGS-TS Nguyễn Thái Phúc (Giám đốc Học viện Tư pháp), về khía cạnh xã hội, tín dụng đen là một nhu cầu có thật và đang diễn biến phức tạp. Có nhiều nguyên nhân song chủ yếu là do người dân khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng. Cụ thể, người dân vay tiền ngân hàng phải trải qua nhiều thủ tục trình tự phức tạp, mất thời gian, chưa kể bị vòi vĩnh. Trong khi hoạt động cho vay ngoài luồng nhanh gọn, chỉ cần thỏa thuận qua lời nói ít phút sau là người cần tiền đã có tiền trong tay để thực hiện nhu cầu của mình. Vì vậy biết là rủi ro cao nhưng vì quá cần tiền nên họ vẫn chọn hình thức vay nóng để thực hiện mục đích của mình. Do vậy trước hết chúng ta phải cải thiện môi trường tín dụng chính thống theo hướng nhanh gọn thuận tiện hơn. Làm sao ngân hàng cũng trở thành một nơi cung cấp dịch vụ như những lĩnh vực thiết yếu khác, khách hàng cần là có mặt.
TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét: “Ngân hàng quá cầu toàn trong các giao dịch tín dụng với người dân cần vốn làm ăn”. Điều đó thể hiện hệ thống cung cấp tín dụng còn hành chính, độc quyền. Ngân hàng có thể cho một người vay vốn khi họ trưng ra cho ngân hàng một kế hoạch làm ăn tốt (nhưng không có tài sản thế chấp). Kết quả là sự thành công của họ sẽ tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, đó cũng là cách giảm thiểu số lượng người cần vay nóng. Ngoài ra, Nhà nước nên tiếp tục phát triển các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, cho người lao động vay vốn với lãi suất thấp để họ có điều kiện làm ăn. Khi một xã hội ổn định, đời sống người dân tạm ổn thì tín dụng đen sẽ giảm.
Đòi nợ thuê, các bị cáo bị TAND tỉnh Bình Dương xử tội cưỡng đoạt tài sản vào tháng 5-2014. Ảnh: NG.NGA
Quy định đủ, vấn đề là thực thi
Về mặt hình sự, theo PGS-TS Nguyễn Thái Phúc không thiếu quy định để xử lý mà là việc thi hành pháp luật có nghiêm chưa? Thực tế cho thấy lực lượng công an rất “ngại” thụ lý giải quyết các rắc rối liên quan đến tín dụng đen, thường họ cho rằng đó là quan hệ dân sự, để các bên tự giải quyết. Trong khi đó cơ quan tố tụng khác thì sợ trách nhiệm nên cũng thiếu quyết liệt trong xử lý. BLHS hiện có quy định về tội cho vay nặng lãi tại Điều 163, liên quan đến tội này có thể xử lý được nhiều tội khác. Chẳng hạn vì tín dụng đen mà đối tượng cho vay bắt người làm con tin để đòi nợ thì có thể xử lý hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Hay vì muốn đòi nợ mà đến xiết tài sản người khác thì có thể xử lý hành vi chiếm giữ tài sản bất hợp pháp, xâm nhập gia cư trái pháp luật. Nếu dùng hợp đồng giả cách để trừ nợ sau đó đe dọa, ép buộc người khác thì có thể xử lý hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc giết người…
Đồng tình, luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng vấn đề thực thi pháp luật được coi là then chốt. Nhiều tố cáo của người dân liên quan đến loại tội phạm này bị công an làm ngơ vì nhiều lý do khác nhau. Hậu quả pháp lý là nhiều tội phạm bị bỏ lọt, nhiều người dân vô tội rơi vào tình trạng trắng tay, mất nhà mất đất. Chính thực tế này khiến các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi chuyên nghiệp không sợ mà tìm mọi cách hoạt động tinh vi hơn. Do vậy ngành công an cần tăng cường xử lý, điều tra tội phạm liên quan đến hoạt động này. Khi công an vào cuộc quyết liệt thì tội phạm này sẽ giảm.
THANH TÙNG
Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM: Cần tham khảo người am hiểu pháp luật Khi vay tiền với các điều kiện được vay quá đơn giản thì đồng nghĩa với việc người dân đối diện rủi ro cao. Do cần tiền, muốn sớm hoàn thành thủ tục để nhận tiền nên người vay không cẩn thận nên dễ rơi vào vòng xoáy tín dụng đen. Đa phần người cho vay buộc người vay ký hợp đồng hứa bán nhà, đất (hợp đồng có điều kiện). Hợp đồng đó được thực hiện khi đến một thời điểm mà người vay không trả được tiền và việc người vay gặp hậu quả bị mất nhà là rất đơn giản. Dù ẩn dưới tên gọi gì (hợp đồng thế chấp, hứa bán…) thì hợp đồng giữa người vay và bên cho vay có bản chất là hợp đồng vay tiền. Vì thế, người vay không nên ký ngay mà hãy hỏi ý kiến tư vấn tại các trung tâm trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước, ý kiến của luật sư, người thân, bạn bè am hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, người vay nên yêu cầu có người làm chứng cho hợp đồng giữa hai bên. Công chứng viên cần giúp đỡ người vay bằng cách giải thích bản chất hợp đồng giữa hai bên khi được đưa ra phòng công chứng. Công chứng viên là người nắm rõ bản chất của hợp đồng nên có trách nhiệm hơn chứ không chỉ thực hiện thao tác nghiệp vụ công chứng. Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP.HCM Sửa luật theo hướng tăng nặng hình phạt Tôi có tham gia trong quá trình soạn thảo, góp ý cho Bộ luật Hình sự mới dự kiến thông qua năm 2015. Hiện nay, ban soạn thảo chuẩn bị bàn bạc, góp ý, sửa đổi cho các nhóm tội danh. Vì thế sắp tới tôi sẽ góp ý, sửa đổi tội danh cho vay nặng lãi theo hướng tăng nặng hình phạt tù gấp đôi so với quy định hiện nay và tăng cả mức phạt tiền (phạt bổ sung). Bên cạnh đó, do quy định hiện hành các cấu thành để định tội cho vay nặng lãi quá khắt khe, khó xử lý các đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi. Theo quy định hiện tại thì tính chất chuyên bóc lột thể hiện ở chỗ là người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Tôi góp ý sửa đổi theo hướng chỉ cần một chủ nợ có cho vay lãi nặng (cao hơn 10 lần mức lãi suất quy định tại thời điểm xử lý) cho từ hai người hoặc hai lần trở lên là đã thực hiện hành vi nhiều lần. Tính chuyên nghiệp của hành vi chỉ cần thể hiện ở việc hoạt động cho vay nặng lãi tạo ra nguồn thu nhập thường xuyên, phục vụ đời sống đối tượng là đủ. ÁI NHÂN ghi |