Nhu cầu vay tiền kinh doanh, giải quyết những việc đột xuất ở người dân rất nhiều. Nhưng người nghèo khó đáp ứng các quy định của ngân hàng nên buộc phải vay tín dụng đen…Với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi ngân hàng, người vay è cổ trả lãi rồi tan nhà nát cửa, còn chủ nợ ngày một giàu lên. Nhiều nhóm cho vay nổi lên như Tuấn Hà Nội, Dung “đất cảng” (Gò Vấp, Tân Phú), Cường “ken”, Tuyết “bạc” (quận 12, Hóc Môn); Luân “lùn” (Bình Thạnh); Thành “què”, Nhiều, Thăng (Bến xe Miền Đông); A Tỷ (cộng đồng người Hoa ở quận 6, quận 11),…
Tuy nhiên, để xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi không hề dễ dàng.
Khó chứng minh hành vi phạm tội
Cuối năm 2013, tại hội nghị đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức ở TP.HCM, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã nhận định: “Kinh tế xã hội khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, tín dụng đen hoạt động mạnh là nguyên nhân chính hình thành các băng nhóm đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn, xiết nợ, bắt giữ người trái pháp luật…”.
Bộ Công an đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình tội phạm có tổ chức do Thượng tướng-Thứ trưởng Lê Quý Vương làm trưởng ban. Ban chỉ đạo sẽ tập trung đấu tranh, giải quyết tình trạng tội phạm có tổ chức tại 18 địa bàn trọng điểm trên cả nước.
Phiên tòa xét xử nhóm đòi nợ thuê ở Bình Dương. Ảnh: NG.NGA
Tuy nhiên, Thẩm phán Phạm Công Hùng - Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định: “Tội cho vay lãi nặng có cấu thành tội phạm rất khắt khe. Để chứng minh đối tượng phạm tội trên thì phải chứng minh được hai dấu hiệu cơ bản.
Thứ nhất, lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên sẽ bị coi là cho vay lãi nặng. Tùy từng thời điểm xử lý hành vi mà cơ quan tố tụng căn cứ mức lãi suất cao nhất do Nhà nước quy định để xử lý.
Thứ hai, có tính chất chuyên bóc lột, được hiểu là việc người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính, bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột thể hiện ở chỗ là người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, nhiều người, mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và là thu nhập chính. Việc chứng minh đầy đủ các dấu hiệu trên là không hề dễ dàng…”.
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Song - Trưởng Công an quận 12 (TP.HCM), để chứng minh hành vi cho vay nặng lãi, cơ quan điều tra phải thực hiện cẩn trọng, kỹ lưỡng. Riêng việc thu thập chứng cứ chứng minh cho mức lãi vay là nặng, nếu gặp đối tượng cho vay che giấu tinh vi, không có hợp đồng vay, giấy tờ nào thu được từ con nợ lẫn chủ nợ thể hiện được việc trên thì rất khó khăn.
Còn Thượng tá Nguyễn Hoàng Thắng - Trưởng Công an quận Bình Thạnh thì cho rằng người tố cáo thường gửi thư tố cáo nặc danh hoặc không hợp tác với cơ quan công an để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi vì sợ bị trả thù.
Hình phạt còn nhẹ
Thẩm phán Phạm Công Hùng cho biết vì quy định khắt khe trong cấu thành tội phạm tội cho vay lãi nặng nên trong thực tế xét xử ngành tòa án có rất ít vụ xử về tội danh trên, trừ những vụ đơn giản, quá rõ ràng.
Hơn nữa chế tài của tội danh trên cũng nhẹ, không đủ sức răn đe người phạm tội. Theo Điều 163 Bộ luật Hình sự, người phạm tội cho vay lãi nặng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Nếu thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ. “Với lợi nhuận bất chính thu được từ hoạt động cho vay lãi nặng là hấp dẫn thì đối tượng hoạt động tín dụng đen sẽ khó từ bỏ…” - thẩm phán Hùng bình luận.
Đại tá Song cũng nhận định hình phạt cho hành vi cho vay lãi nặng là nhẹ và ít trường hợp bị xử lý. Để buộc người vay phải trả, các đối tượng cho vay nặng lãi dùng mọi thủ đoạn để buộc họ phải trả nợ dẫn đến các hành vi cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, đe dọa giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản…. khiến xã hội bất ổn.
Chứng minh hợp đồng giả cách
Theo thẩm phán Phạm Công Hùng, hợp đồng giả cách xuất hiện khá nhiều trong các giao dịch và tranh chấp dân sự tại tòa. Có khá nhiều trường hợp để nắm chắc phần thắng, chủ nợ buộc con nợ ra phòng công chứng để ký hợp đồng mua bán nhà đất của con nợ. Nếu sau một thời gian mà con nợ chậm trả, mất khả năng chi trả thì chủ nợ sẽ chuyển sang thực hiện hợp đồng và lấy nhà của con nợ. Thực tế xét xử có những vụ hợp đồng giả cách từ hoạt động tín dụng đen cướp nhà đất của con nợ.
“Với nạn nhân, khi ra tòa phải chứng minh được bị lừa dối, ép buộc… để ký hợp đồng giả cách mua bán nhà, đất thì tòa sẽ tuyên vô hiệu với hợp đồng đó và con nợ sẽ chỉ thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo lãi suất hợp pháp. Hợp đồng giả cách mà chủ nợ ép con nợ phải ký thì sẽ tinh vi, chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn luôn tồn tại kẽ hở, vấn đề là chứng minh kẽ hở đó trong quá trình đối chất giữa các bên. Các chứng cứ chứng minh đó có thể hiện được điều đó không. Với luật sư giỏi, HĐXX tinh ý thì sẽ tìm được các kẽ hở nhằm chứng minh hợp đồng giả cách và giúp người vay giữ được nhà, đất và nhiều phiên tòa đã bác yêu cầu của chủ nợ. Trong hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách, cần tiền nhưng đã làm hợp đồng liên quan đến định đoạt tài sản lớn là nhà, đất, người vay cần suy nghĩ kỹ..” - thẩm phán Hùng chia sẻ.
ÁI NHÂN - XUÂN NGỌC
Vụ vay nặng lãi ở tỉnh Sóc Trăng Từ ngày 19 đến 26-5-2014, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử vụ án cho vay lãi nặng rúng động ĐBSCL từ trước đến nay. Phiên tòa xét xử băng nhóm cho vay nặng lãi ở Sóc Trăng. Ảnh: INTERNET Tòa đã tuyên phạt 11 bị cáo về các tội cưỡng đoạt tài sản và cho vay lãi nặng, trong đó tội cưỡng đoạt tài sản bị phạt tù cao hơn. Trong đó, Mã Hóa Kim bị phạt 17 năm tù giam, Trịnh Minh Tâm 15 năm tù, Lê Hoàng Sĩ Đan 14 năm tù, Nguyễn Hồng Ngân bảy năm sáu tháng tù, Danh Thị Bé Hoa 13 năm tù, Bùi Thanh Liêm 13 năm tù… Từ năm 2010 đến tháng 5-2013, bị cáo Kim cho nhiều người vay với lãi suất lên đến 30% rồi sai đàn em thu lãi hằng ngày. Nếu người vay không đóng lãi, Kim cùng đồng bọn đe dọa và buộc các bị hại viết nhiều giấy nợ rồi làm thủ tục giao đất, nhà và tài sản cá nhân, Kim đã thu lợi gần 6 tỉ đồng của 98 bị hại. |