Vụ 6 người chết trong bồn dầu cá: Chết do vào bồn “cấm”?

Ngày 5-9, Thượng tá Lê Hoàng Dũng, Phó Công an huyện Lấp Vò, cho biết công an đã khám nghiệm xong hiện trường vụ tai nạn và đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân. Theo ông, khi thấy người bị nạn thì những người khác nóng ruột nhào vô cứu, không còn kịp nghĩ đến việc bồn thiếu ôxy nên xảy ra chuyện.

Cùng ngày, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đến thăm hỏi và hỗ trợ cho gia đình nạn nhân có người chết 3 triệu đồng/người. Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cũng đến hiện trường vụ tai nạn để khảo sát.

Ông Trần Anh Thư, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang, nhận xét: Qua hình ảnh báo chí, bồn chứa mà các nạn nhân chui vào lấy mẫu không phải là bồn chứa mỡ hay dầu cá mà là bồn chứa glycerin, được ủ hiếm khí. Trong quy trình tinh luyện dầu cá tra, basa thường cho ra hai sản phảm là dầu cá và chất glycerin. Glycerin được xem là phụ phẩm của quá trình tinh luyện. Để bảo quản chất glycerin, người ta đưa nó vào bồn chứa rồi ủ nó trong môi trường hiếm khí, không có ôxy, phủ lên lớp nitơ và đậy kín. Bồn chứa này có nguyên tắc là cấm người chui vào vì sẽ bị ngạt và tử vong nhanh. Bởi bồn chứa này phải được giữ kín, nếu ôxy lọt vào thì glycerin sẽ chuyển sang dạng chất lỏng khác. Khi lấy mẫu, phải đến chỗ van gắn bên hông bồn chứa xả ra chứ không được chui vào. Không hiểu vì sao các nạn nhân lại quên nguyên tắc này.

Theo BS Nguyễn Thành Úc (BV Đa khoa Trung tâm Tiền Giang), hiện người dân thường sử dụng giếng đào, hầm khí biogas và các vụ tai nạn thường xảy ra khi người dân xuống giếng, xuống hầm biogas để vệ sinh, sửa chữa máy bơm và ngạt thở khí độc (CO, CO2, CH4, H2S...).

Vụ 6 người chết trong bồn dầu cá: Chết do vào bồn “cấm”? ảnh 1

Bồn chứa rất giống với bồn ủ glycerin. Ảnh: VĨNH SƠN

Với giếng nước, trước khi xuống giếng nên thả một ngọn nến xuống sát mặt nước. Nếu nến vẫn cháy sáng là xuống được. Nếu ngọn nến cháy leo lét rồi tắt thì không được xuống giếng. Cũng có thể dùng gà hoặc chim thăm dò và trước khi xuống giếng phải có dây bảo hiểm, bố trí người kéo lên khi có sự cố.

Với hầm biogas, nếu hầm có sự cố, cần báo cho cơ quan chuyên môn xử lý. Nếu tự xử lý thì trước đó phải mở nắp hầm ủ khí một thời gian dài để mêtan bay hết. Sau đó dùng gậy chọc phá màng sinh học, bơm nước vào để đẩy lớp váng ra. Sau khi chọc thủng lớp váng, phải chờ vài tiếng mới được mở nắp hầm. Tuyệt đối không tự xuống hầm ủ khí trong bất cứ trường hợp nào.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm