Vụ Alibaba: Một số bị hại không còn yêu cầu nhận đất

(PLO)- Sau khi VKS xét hỏi về các yêu cầu nhận đất, một số bị hại đã thay đổi yêu cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-12, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị hại trong vụ án Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm bị cáo buộc đã tự “vẽ” ra các dự án lừa đảo chiếm đoạt gần 2.400 tỉ đồng của hơn 4.000 khách hàng.

Để tiện cho việc cập nhật, đối chiếu số liệu, thư ký tòa án cũng đã phát đơn để yêu cầu các bị hại ghi rõ địa chỉ liên lạc, số tiền yêu cầu và tên dự án đã đầu tư.

Thay đổi yêu cầu sau khi VKS xét hỏi

Trong ngày xét hỏi thứ ba đối với các bị hại, đại diện VKS đã chất vấn đối với các bị hại có yêu cầu được nhận đất. Sau khi được xét hỏi bị hại đã thay đổi yêu cầu từ nhận đất sang nhận tiền. Hoặc từ kiên quyết nhận đất chuyển sang tùy thuộc vào quyết định của HĐXX.

Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm tại tòa. Ảnh: NGUYỆT NHI
Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm tại tòa. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trả lời HĐXX, bị hại Lê Thị Thanh Hương cho biết đã đầu tư vào Công ty Alibaba ba lô đất, trong đó có một lô đất đứng tên chung với nhân viên kinh doanh (sale) của Alibaba để được hưởng chiết khấu và có yêu cầu được nhận lại đất và xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Đại diện VKS đã hỏi bà Hương lý do vì sao lại cho nhân viên sale của Công ty Alibaba đứng tên chung để mua đất? Số tiền đã hưởng chiết khấu là bao nhiêu và lý do vì sao xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. “Bà xin giảm nhẹ cho các bị cáo có phải các bị cáo đã mang lại lợi ích gì cho bà?” - VKS hỏi.

Tuy nhiên, khi trả lời VKS, bà Hương lại cho biết không nhớ được hưởng đặc quyền gì khi cho nhân viên sale của công ty đứng tên chung, trong khi trước đó trả lời HĐXX là để hưởng chiết khấu. Đồng thời, bị hại này không nhớ số tiền đã nhận chiết khấu, việc xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là để các bị cáo sớm trở về với xã hội, khắc phục hậu quả.

Trước yêu cầu nhận đất, VKS một lần nữa khẳng định cho bà Hương biết những lô đất trong dự án mà bà đã mua của Công ty Alibaba là không có thật. Sau đó, bị hại này đã chuyển từ yêu cầu nhận đất sang được nhận tiền.

Một trường hợp khác, bà NLK cho biết ngay từ đầu khi ký kết hợp đồng đã biết đang là đất nông nghiệp. Bà K đã được Alibaba cam kết sẽ chuyển được sang đất ở nông thôn, trong thời hạn một năm hai bên sẽ tiến hành các thủ tục công chứng để sang tên.

Thư ký tòa án đang phát đơn để các bị hại cập nhật lại số tiền yêu cầu, địa chỉ và tên dự án. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Thư ký tòa án đang phát đơn để các bị hại cập nhật lại số tiền yêu cầu, địa chỉ và tên dự án. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Trong quá trình xét hỏi với VKS, bị hại này vẫn kiên quyết yêu cầu được nhận đất. “Đất của tôi mua tại dự án nằm ngay mặt tiền Quốc lộ 51 và nó nằm trong quy hoạch đất ở của huyện Long Thành. Đất của tôi là quy hoạch đất ở, tôi vẫn muốn nhận đất, dù là đất nông nghiệp thì tôi vẫn muốn nhận đất” - bà K nói.

Giải thích và khẳng định với bị hại K, VKS cho biết khi ký hợp đồng với khách hàng tại các dự án mà Công ty Alibaba quảng cáo là đất ở nhưng cho tới thời điểm mở phiên tòa, đó vẫn không phải là đất ở mà là đất nông nghiệp. Các cơ quan nhà nước chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, việc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở là không có.

“Đối tượng trong bốn hợp đồng của bà không có thật, bà nhất định đòi những thứ không có thật thì bà có từ chối quyền lợi của mình hay không nếu như HĐXX không có đất để giao cho bà” - đại diện VKS nói.

Sau đó, bà K cho biết sẽ theo quyết định của HĐXX.

Làm lao công cho Alibaba để tiện theo dõi đất đã đầu tư

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà PHS (Đồng Nai) cho biết đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng để mua tám lô đất của Công ty Alibaba. Đáng chú ý, bà S cho biết từng làm lao công, tạp vụ được hơn một tháng cho công ty thuộc hệ thống của Alibaba ở Đồng Nai.

Sở dĩ bà S xin vào làm việc ở đây là để tiện theo dõi, nắm bắt thông tin cho những mảnh đất mà mình đã đầu tư. “Nhà tôi ở ngay trụ sở công ty, hằng ngày chứng kiến rất nhiều nhân viên, khách hàng ra vào để trao đổi thông tin về các dự án. Bản thân không nắm rõ về các thủ tục pháp lý nhưng được tư vấn thanh toán linh hoạt và có lợi nhuận nên đã xuống tiền đầu tư” - bà S nói.

Chia sẻ thêm bà S cũng cho biết số tiền hơn 1 tỉ đồng mà mình đã đầu tư thì có khoảng 400 triệu đồng là vay ngân hàng, số tiền còn lại là do tích góp và vay mượn thêm bên ngoài.

Trong khi đó, ông Doãn Minh Đức (một bị hại khác) thì trình bày trước tòa yêu cầu được rút ra khỏi danh sách bị hại, không tố cáo nữa và sẽ chuyển sang khởi kiện trong một vụ án dân sự để yêu cầu tiếp tục hợp đồng.

Lý giải cho việc rút yêu cầu nói trên, trả lời trước HĐXX ông Đức cho biết có đầu tư 684 triệu đồng để mua một lô đất do Luyện đang đứng tên. Hai bên đang làm thủ tục công chứng thì các bị cáo bị bắt nên giao dịch đang còn dang dở. “Bản thân tôi và Công ty Alibaba không có tranh chấp về quyền lợi nên tôi xin rút ra khỏi danh sách bị hại” - ông Đức nói.

Kết thúc xét hỏi bị hại sớm hơn một ngày

Kết thúc phiên xử ngày 15-12, chủ tọa phiên tòa thông báo việc xét hỏi các bị hại có thay đổi so với dự kiến. Theo đó, ngày 17-12 sẽ là buổi xét hỏi cuối cùng (sớm hơn một ngày so với kế hoạch trước đó) đối với các bị hại trong các dự án còn lại và các bị hại ở xa chưa tham gia xét hỏi. Ngày 18-12 (Chủ nhật) sẽ chuyển sang phần khác.

Ngoài ra, chủ tọa phiên tòa cũng tiếp tục lưu ý HĐXX sẽ chỉ tiếp nhận đơn yêu cầu bị hại mới đến hết sáng hôm nay (16-12).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm