Vụ án Thảo Cầm Viên và ba băng “nhóm” giang hồ

Bằng sự mưu trí, dũng cảm và tinh thông nghiệp vụ, các trinh sát hình sự CATP Hà Nội, Công an Nam Định và CATP.HCM đã vào cuộc điều tra, đưa những tay anh chị đất Bắc “xộ” khám.

Kỳ 1: Cái chết tức tưởi của anh kế toán Thảo cầm viên

Khoảng giữa năm 2001, thực trạng xuống cấp của Thảo cầm viên Sài Gòn (TCVSG) cùng với sự bê bối, không minh bạch về chi tiêu trong dự án 1,5 tỷ đồng nâng cấp hệ thống hạ tầng của TCVSG đã khiến giám đốc Nguyễn Quốc Thắng phải đối mặt với sự phê phán của báo chí và khiển trách của cấp trên.

Trà “hinh”, Lê Ngọc Minh, Toàn “sáu ngón” Phong “móm”, Tuấn “con”
Trà “hinh”, Lê Ngọc Minh, Toàn “sáu ngón” Phong “móm”, Tuấn “con”

Những tài liệu tố cáo các vụ việc mờ ám ở TCVSG không chỉ dừng lại ở chỗ vạch ra sự gian dối trong thi công hạ tầng cơ sở, mà còn phanh phui việc ăn bớt trắng trợn kinh phí chăn nuôi các loại thú quý hiếm ở đây.

Trong khi những bê bối ở TCVSG chưa được giải quyết dứt điểm thì xảy ra chuyện anh Đặng Vũ Thắng, Phó phòng Kế toán - Tài vụ của TCVSG bị đâm chết khi đang trên đường từ cơ quan trở về nhà.

Tình tiết bất ngờ

Hôm đó là ngày 22/8/2001. Cơn mưa bất chợt kéo dài từ trưa đến cuối giờ chiều mới ngớt làm cho đường phố Sài Gòn như dịu hẳn. Chờ cho mưa tạnh hẳn, anh Thắng mới từ cơ quan về nhà.

Đến ngã ba đường Nguyễn Du - Cách Mạng Tháng Tám, anh Thắng giảm tốc độ qua đường. Phía sau, hai chiếc xe gắn máy cũng bám sát. Một tên to lớn, ngồi sau chiếc xe đi gần anh Thắng bỗng nhảy ra khỏi xe, chạy vượt lên, bất ngờ vung mã tấu chém tới tấp xuống người anh. Những nhát dao chí mạng không thương tiếc khiến anh Thắng không kịp chống đỡ, gục ngã trên vỉa hè.

Rất nhanh, ba đối tượng đi trên 2 xe máy trờ tới, kẻ giết người vội nhảy lên sau xe tẩu thoát, bỏ lại phía sau nạn nhân nằm trong vũng máu.

Anh Thắng nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Sài Gòn cấp cứu nhưng chỉ mấy tiếng sau là tắt thở. Cái chết của anh khiến dư luận cả nước phẫn nộ bởi vào thời điểm đó, có nhiều nguồn tin cho rằng chính anh Thắng là người đã cung cấp thông tin cho báo chí phanh phui những tiêu cực ở TCVSG.

Áp lực buộc lực lượng công an phải sớm làm sáng tỏ vụ việc để trấn an dư luận song manh mối gần như không có, vì anh Thắng vốn là người hiền lành, ít giao tiếp với bên ngoài, hầu như không có mâu thuẫn.

Sau khi anh Thắng bị giết, Ban lãnh đạo TCVSG, những người bị tố giác tham nhũng, tiêu cực thường xuyên cử người đến động viên an ủi gia đình người thiệt mạng.

Phải chăng anh Thắng bị chém nhầm hay vì một lý do nào khác? Quá trình thu thập thông tin, các trinh sát được quần chúng cung cấp một chi tiết khá quan trọng. Đó là trước khi xảy ra vụ chém chết người, có một nhóm bốn thanh niên ngồi ở quán nước đối diện cổng TCVSG từ đầu giờ làm việc buổi chiều, dáng vẻ rất sốt ruột. Thi thoảng họ lại gọi điện cho ai đó rồi lại tiếp tục nán lại, mắt luôn hướng về cổng TCVSG.

Đến khi anh Thắng ra khỏi cơ quan, nhóm thanh niên này cũng bám theo sau đó thì xảy ra chuyện anh Thắng bị chém. Điều đáng nói là trong nhóm này có ba tên nói giọng Bắc và đặc biệt, một tên trong nhóm rất to béo, hai bàn tay đều có sáu ngón.

Thông tin này càng củng cố phán đoán của lực lượng công an về việc đang tồn tại những băng nhóm giang hồ đất Bắc ở TP.HCM, nhất là thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ cướp dùng súng, mà theo lời khai của các bị hại thì bọn cướp nói giọng Bắc.

Những thông tin trên nhanh chóng được “chia sẻ” với công an các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh, Hà Tây và Hà Nội để cùng phối hợp, lần tìm những tên giang hồ này. Một số trinh sát dày dạn kinh nghiệm ở các tỉnh Nam Định, Hà Tây, Hà Nội được cử vào TP.HCM để thông qua các biện pháp nghiệp vụ, hòng làm sáng tỏ cái chết oan uổng của anh Thắng.

Trong khi tin tức về các băng nhóm giang hồ ở hai đầu đất nước luôn được cập nhật để làm sáng tỏ vụ án trên thì ở Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ cướp, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản sặc mùi xã hội đen. Điển hình là vụ đâm chém, đập phá tài sản xảy ra ở quán karaoke Hoàng Long, 179 Mai Dịch, Cầu Giấy.

Tối 28/10/2002, quán Hoàng Long đang mở cửa đón khách bỗng xuất hiện khoảng 20 tên lăm lăm mã tấu, dao phay, ống tuýp nước ập vào. Một cuộc đập phá, chém, đánh không thương tiếc bất ngờ ập xuống đầu những người có mặt khiến mọi người mạnh ai nấy chạy.

Anh Phạm Kim Long, chủ quán cùng hai nhân viên vì cố bảo vệ tài sản, bị nhóm côn đồ chém, gây thương tích nặng. Nửa tháng sau, trong khi anh Long còn đang điều trị tại bệnh viên, quán karaoke của anh đã bị hai kẻ lạ mặt dùng xăng thiêu trụi.

Mắt xích mở ra chuyên án lớn

Đội Đặc nhiệm Phòng CSHS CATP Hà Nội do thiếu tá Lê Hồng Phương làm Đội trưởng được giao nhiệm vụ phải sớm làm rõ vụ đâm chém người, hủy hoại tài sản trên.

Qua điều tra, được biết, anh Long mới từ quê lên Hà Nội làm ăn, cách đây 2 tháng có thuê lại quán karaoke này từ anh Đỗ Văn Cường cùng ở phường Mai Dịch. Thời điểm này các loại dịch vụ giải trí bung ra nhiều, khách đến rất đông, không thể vì cạnh tranh khách mà xảy ra chuyện. Hơn nữa anh Long mới từ quê ra, chưa thể gây mâu thuẫn tới độ bị người ta tính lấy mạng.

Sau khi đưa ra nhiều giả thiết để loại trừ, các trinh sát đặc biệt chú ý tới tình tiết anh trai chủ quán Hoàng Long cũ, cách đó vài ngày có va chạm với Nguyễn Việt Dũng, tức Dũng Pa-lét, đối tượng hình sự từng gây án ở Khánh Hòa, giờ đã hoàn lương với nghề buôn bán bia hơi.

Phải chăng vì muốn “rửa hận”, Dũng đã thuê người “tính sổ” với anh Thịnh, không may tai họa rơi xuống đầu anh Long hay chỉ là sự nhầm lẫn? Các trinh sát lại một phen “bơi” trong những tình huống để tìm hiểu.

Sau nhiều ngày hóa thân vào các vai cửu vạn, tay chơi, thậm chí là cả dân anh chị, các trinh sát đã tìm ra manh mối. Kẻ gây ra vụ đâm chém, đốt tài sản trên chính là Bùi Xuân Huy, Nguyễn Đức Minh, Trần Quang Hiển, đàn em của Dũng Pa-lét, với sự giúp đỡ nhiệt tình của nhóm côn đồ do Nguyễn Anh Tuấn, tức Tuấn “con”, cầm đầu.

Vốn là kẻ đã ra tù vào khám, sau khi gây án, Dũng chỉ đạo đàn em trốn và thống nhất cách khai báo, song “lưới trời lồng lộng”, đám lâu la của Dũng và Tuấn lại lần lượt bị bắt vì những vụ án khác. Trong số 12 đệ tử của Dũng có hai tên có hộ chiếu chuẩn bị ra nước ngoài.

Hôm khám nhà Dũng thu được hai ôm dao phay, ống tuýp nước, Thượng tá Nguyễn Đức Bình, Trưởng phòng CSHS CATP Hà Nội, hỏi:

- Anh tự thấy có tội không?

Tin vào chứng cứ ngoại phạm của mình, Dũng trả lời bình thản:

- Tôi không có tội gì hết.

Thượng tá Bình nói:

- Đấy chỉ là suy nghĩ của riêng anh. Anh sẽ còn nhiều thời gian để nghĩ lại. Còn tôi, đã có đủ chứng cứ khẳng định anh phạm tội cố ý gây thương tích. Nhiệm vụ của tôi hôm nay là bắt anh.

Với bản lĩnh anh chị, Dũng luôn cho rằng mình vô tội. Những tên đàn em của Dũng cũng “ngậm miệng” không ho he điều gì về “đại ca”. Duy chỉ có tên Đức khai được Dũng chỉ đạo, sau đó tìm nhóm Tuấn “con” thuê ra tay hộ. Lệnh bắt khẩn cấp Tuấn “con” và đồng bọn được tiến hành.

Bị truy nã ráo riết, Tuấn quanh quẩn ở Hà Nội, sống nhờ vào tiền chu cấp của người quen họ hàng bên vợ. Mãi tới ngày 22/2/2003, Tuấn bị bắt khi đang lẩn trốn tại chợ Thượng Thanh, Long Biên.

Bằng linh cảm nghề nghiệp, các trinh sát đặc nhiệm, những người được huy động vào TP.HCM tham gia điều tra vụ án TCVSG nhận thấy có thể Tuấn là mắt xích quan trọng, giúp tháo mở được những bí ẩn về cái chết của anh Thắng.

Theo Công an TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm