Ngày 10-9, TAND huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã xét xử vụ “Bắt trói kẻ trộm bị khởi tố” xảy ra tại ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre. Tại tòa, đại diện VKSND huyện Chợ Lách đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Văn Trình 6-9 tháng cải tạo không giam giữ về tội bắt, giữ người trái pháp luật như cáo trạng đã truy tố trước đây. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng việc bị cáo Trình bắt em K. khi em này đang đột nhập vào nhà lấy trộm là thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang, việc bắt này là đúng; còn việc cha con bị cáo Trình tự ý giữ em K. trói, đánh mà không giao nộp cho cơ quan chức năng là sai. Từ đó tòa tuyên bị cáo Trình phạm tội giữ người trái pháp luật và phạt sáu tháng cải tạo không giam giữ.
“Bắt trộm sao lại phạm tội?”
Như Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, khoảng 2 giờ 30 sáng 21-1-2014, cha con bị cáo Trình phát hiện Phạm Văn K. (sinh năm 1999) đột nhập vào tiệm tạp hóa của gia đình. Do không biết số điện thoại của công an nên ngay sau khi bắt em K., Trình có gọi điện thoại cho ông Lê Nguyên Luyến (Trưởng ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình) để báo vụ việc. Trình gọi đến ba lần nhưng ông Luyến không nghe máy.
Thế là cha con bị cáo Trình bèn neo giữ em K. lại và tra hỏi: “Mày con ai?”. Do K. không nói nên Trình nắm hai tay của K. ra sau, dẫn ra ngoài cửa tiệm và trói K. vào gốc cây. Tiếp tục hỏi K. là con ai nhưng K. vẫn không trả lời nên Trình lấy dây trói hai chân K. rồi lấy dây cột vào sợi dây trói hai tay K., đầu dây kia vắt qua nhánh cây rồi kéo lên hạ xuống nhiều lần. Đến khi K. khai mình là con của ai, từng vào tiệm lấy trộm bốn lần thì Trình không kéo lên hạ xuống nữa.
Đến 4 giờ 40 sáng, Trình tiếp tục gọi điện thoại báo cho ông Luyến trưởng ấp, lần này thì ông đến đưa tên trộm về trụ sở ấp làm việc.
Tại tòa, bị cáo Trình cho rằng mình bắt trộm đang phạm tội quả tang nên không phải là vi phạm pháp luật. Bị cáo chỉ thừa nhận có bắt và trói em K. chứ không đánh, còn những lần trước khai có đánh theo bị cáo Trình là “do mấy anh công an nói cứ khai đại, chỉ làm rõ vụ trộm thôi, không sao đâu nên tôi mới khai như vậy”.
Bị cáo Nguyễn Văn Trình tại tòa. Ảnh: HOÀNG NAM
Không rõ thời gian neo giữ trộm bao lâu
Tại tòa, ba nhân chứng khai khoảng 4 giờ 30 có đi tập thể dục ngang qua nhà bị cáo Trình và thấy bị cáoTrình đã trói em K., còn việc bị cáo Trình có đánh em K. không thì họ không rõ. Một nhân chứng khác thì khai khoảng 4 giờ 20 phút, khi đi ngang qua hiện trường thì bà chỉ thấy bị cáoTrình cầm tay em K. chứ chưa trói.
Theo trích lục cuộc gọi từ mạng di động, 4 giờ 37 phút bị cáo Trình gọi ông Luyến trưởng ấp. Đến 4 giờ 44 phút ông Luyến tới, 4 giờ 50 ông Hải (là công an viên) cũng tới, 5 giờ em K. bị đưa đến văn phòng ấp làm làm việc.
(Trong khi trước đó, vào tháng 10-2014, trả lời PV, ông Luyến xác nhận trước đó ông có nhận mấy cuộc gọi nhưng thấy số lạ nên ông không nghe máy, đến 4 giờ 30 hơn thì ông mới nghe điện thoại.)
Hồ sơ của cơ quan điều tra thì thể hiện khoảng 2 giờ 30 cha con bị cáo Trình nghe tiếng chó sủa nên dậy xem nhưng không thể hiện rõ thời điểm cha con bị cáo Trình bắt em K. là khi nào. Tại tòa, em K. khai thời điểm em tới quán bị cáo Trình là hơn 2 giờ khuya. Tuy nhiên, trước đó hồ sơ thể hiện em này lại khai 3 giờ 10 phút và chỉ có mình ông Tập (cha bị cáo Trình) đánh. Nhưng tại tòa, K. lại cho rằng bị cáo Trình có đánh và bóp cổ mình.
Còn ông Hải (công an viên) khai tại tòa là không thấy việc bị cáo Trình treo em K. lên cây, tuy nhiên trước đó trong hồ sơ ông này lại khai có thấy. Ông Hải lẫn ông Luyến cũng khai tại tòa là thời điểm xảy ra vụ việc, hai ông này không lập biên bản hiện trường ban đầu. Tuy nhiên, không hiểu sao sau đó kiểm sát viên lại đưa ra được các biên bản này (?!).
Điều đáng nói là trong phần tranh luận, kiểm sát viên cho rằng hành vi của em K. vô nhà nhưng chưa lấy được tài sản nên chưa phải là tội phạm, vì vậy việc bắt người trong trường hợp này không phải là bắt người phạm tội quả tang (!?).
Trong khi đó, em K. khai tại tòa là đã bốn lần đột nhập vào quán bị cáo Trình lấy tiền thành công, hôm xảy ra vụ việc là lần thứ 5. “Nếu không bị chú Trình phát hiện thì tôi đã lấy được tiền rồi” - em K. hồn nhiên khai tại tòa.
Luật sư Võ Đức Toàn (Đoàn Luật sư TP.HCM, người bào chữa miễn phí cho bị cáo Trình) cho rằng hồ sơ vụ án có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng về thu thập chứng cứ, xác định thời gian bắt trói, vật chứng vụ án. Ví dụ, sợi dây dù là tang vật vụ án nhưng lại không thu thập, trong khi đó lại đưa một sợi dây khác thay thế vào; chiếc chìa khóa là tang vật vụ án cũng bị mất. Luật sư đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ những vấn đề khuất tất nói trên.
Tuy nhiên, cuối cùng tòa vẫn tuyên án như trên. Anh Trình cho biết anh sẽ kháng cáo.
Bản án thiếu thuyết phục! Trong vụ án này, rõ ràng sau khi bắt được kẻ trộm cha con anh Trình đã xoay xở, làm hết cách để bàn giao tên trộm. Cụ thể là anh Trình đã gọi điện thoại báo cho trưởng ấp nhiều lần không được, sau đó tiếp tục gọi nữa thì trưởng ấp đã đến. Hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn việc bắt người phạm tội quả tang thì được giữ lại trong thời gian bao lâu. Và nếu đã gọi báo cho công an, trưởng ấp nhưng họ chưa kịp đến, họ chậm đến thì sao? Không lẽ lúc ấy cứ đè người bắt trộm ra xử hình sự? Trả lời PV báo Pháp Luật TP.HCM trước đây, chính ông Huỳnh Văn Toàn (Viện trưởng VKSND huyện Chợ Lách) từng thừa nhận: Bắt người phạm tội quả tang thì người bắt phải đem liền tên trộm đến cơ quan chức năng nhưng luật không ghi rõ “liền” là ngay tức khắc hay là mấy tiếng đồng hồ sau. PV hỏi: “Dân bắt trộm quả tang giữa đêm khuya vắng người nhưng không được trói, lỡ tên trộm chạy thoát thì sao?”. Ông Toàn trả lời: “Cái này phải suy nghĩ thêm, theo quy định thì chỉ có lực lượng chức năng mới được còng, người dân không được còng. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, người dân khi bắt trộm thì cũng phải như thế”. PV lại hỏi: “Nếu là ông, trong trường hợp vụ án nói trên, sau khi phát hiện tên trộm, gọi ba lần nhưng trưởng ấp không bắt máy và sợ tên trộm trốn thoát thì ông sẽ làm gì”. Ông Toàn: “Theo tôi, sau khi bắt trộm, gia đình cùng với lối xóm phải đưa tên trộm đến công an ấp, công an ấp phải đưa về công an xã. Một là phải dẫn đi, hai là phải giữ đó rồi thông báo, nếu thông báo không được thì phải có biện pháp đi, chạy đến lực lượng chức năng”. Là người công tác tại địa bàn huyện Chợ Lách, hẳn ông Toàn biết rõ ấp Phú Bình ở giữa cù lao, muốn đến xã thì phải qua phà, mà đêm khuya thì phà không hoạt động. Trong trường hợp này, người bắt trộm phải làm sao để giải tên trộm lên xã đây? Không lẽ cha con anh Trình phải kè tên trộm bơi qua sông để đưa đến xã? Giả dụ sau khi bắt được trộm, cha con anh Trình cứ neo mãi ở đó mà không báo cho trưởng ấp thì hành vi này phạm tội giữ người trái pháp luật là thuyết phục. Đằng này, cha con anh Trình đã làm hết cách, vậy mà anh Trình vẫn bị khép tội. Vậy thì luật pháp trong trường hợp này bảo vệ ai, người dân bắt trộm hay bảo vệ tên trộm?! HOÀNG VIỆT |