Vụ bêu rếu bé gái 5 tuổi trên mạng: Phạt hành chính thì đã rõ, nhưng cần nghĩ về dấu hiệu tội làm nhục người khác

(PLO)- Về hành chính, hành vi này có thể bị phạt từ 20-30 triệu đồng, nhưng có vẻ hành vi này cần được xem xét dưới góc độ hình sự ở tội làm nhục người khác, dù chế tài vẫn có thể chỉ là phạt tiền... 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, vụ việc cháu bé 5 tuổi ở (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) lấy một vòng cao su, có giá khoảng 10.000 đồng nhưng bị chủ cửa hàng đăng tải hình ảnh, bêu rếu trên mạng xã hội, gây bức xúc cộng đồng mạng.

Ngay sau sự việc xảy ra, Công an phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc.

Cụ thể, ngày 30-11, trên mạng xã hội lan truyền 1 bài đăng với nội dung: "Truy tìm người thân bé gái này mới qua shop ăn cắp một chiếc vòng tay. Trên tay là tang vật bé lấy nhé. Ai là người nhà thì qua shop làm việc ngay với em". Kèm theo đó là hình ảnh một cô bé được chụp rõ mặt. Ngoài ra, chủ shop còn đăng video cháu bé bật khóc vì lo sợ.

Sự việc này đã thu hút được sự quan tâm của dư luận bởi lẽ đối tượng của hành vi ‘bóc phốt’ là trẻ em. Do vậy nhiều bạn đọc thắc mắc liệu hành vi bêu riếu trên mạng đối với trẻ em như vậy có vi phạm quy định của pháp luật?

Thông tin cháu bé năm tuổi bị bêu tên và hình ảnh lên mạng xã hội. Ảnh chụp từ màn hình
Thông tin cháu bé năm tuổi bị bêu tên và hình ảnh lên mạng xã hội. Ảnh chụp từ màn hình

Trao đổi với PLO,Luật sư Nguyễn Minh Tường, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết đây là trường hợp đặc biệt vì đối tượng là trẻ em. Hiện nay Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành có những điều khoản quy định về vấn đề này.

Theo đó, Điều 36 Nghị định 56/2017 thì cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.

Khoản 11 Điều 6 Luật Trẻ em 2016 cũng nêu rõ một trong những hành vi bị nghiêm cấm là công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 31 Nghị định 130/2021. Theo đó, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng nếu có hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên, gồm: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại…

Ngoài bị xử phạt người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi hoặc buộc thu hồi, xóa, gỡ bỏ các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, chủ cửa hàng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi (dựa vào thái độ, nhận thức của người có hành vi vi phạm; hậu quả của hành vi...).

Theo đó, khung hình phạt thấp nhất là người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Theo PLO, câu chuyện có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của người trong cuộc; song, nếu hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội làm nhục người khác thì cần thiết cơ quan tố tụng vẫn nên xem xét, xử lý để làm răn.

"Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Huống chi một đứa trẻ 5 tuổi đã biết thế nào là ăn cắp đâu mà người lớn nỡ làm nhục bé đến mức khó có thể thể tha thứ được!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm