Vụ ca sĩ Phương Thanh kiện cogaidolong: Vướng ở chứng cứ điện tử

Câu hỏi đặt ra là những chứng cứ trên mạng có được xem xét trong việc xử lý tội phạm mạng hay không.

Tiền phong phỏng vấn ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng, về những vấn đề trên.

Ông Nguyễn Tử Quảng

Một trong những việc cần phải làm trong vụ kiện mà TAND quận Tân Bình TPHCM thụ lý ngày 26-10 là phải khôi phục blog Cogaidolong đã bị xoá. Về mặt kỹ thuật blog có phục hồi được hay không, thưa ông?

Có nhiều cách khác nhau để lấy lại thông tin cũ trên mạng Internet. Thứ nhất, xem nhà cung cấp dịch vụ như Yahoo có lưu lại hay không. Trong trường hợp này, tôi nghĩ rằng có thể nhà cung cấp dịch vụ vẫn lưu lại thông tin.

Thứ hai, các công cụ tìm kiếm như Google hay Yahoo vẫn lưu lại trong bộ nhớ cache của họ một khoảng thời gian nhất định những thông tin mà họ thu thập trên Internet toàn cầu.

Thế nhưng, vấn đề là các nhà cung cấp dịch vụ có hợp tác với cơ quan pháp luật của Việt Nam hay không trong việc cung cấp các thông tin này. Ngay cả khi các nhà cung cấp dịch vụ cung cấp các thông tin trên blog này thì còn liên quan đến vấn đề pháp lý. Những chứng cứ trên không gian ảo được công nhận như thế nào?

Chúng ta có thể tin được chín mươi phần trăm thông tin lưu lại trong bộ nhớ cache của Yahoo hay Google là chính xác. Nhưng về lý, những chứng cứ này chưa có cơ sở pháp lý nào để đảm bảo. Vì vậy Bộ Công an và Viện Kiểm sát, Bộ Tư pháp sẽ phải đưa ra những quy định về chứng cứ điện tử.

Nói như ông, mặc dù chúng ta có thể lấy lại được các thông tin đã xoá nhưng tính chính xác và vấn đề pháp lý vẫn chưa được xác định nên rất khó đem ra xét xử?

Đúng như vậy. Vấn đề pháp lý ở đây vẫn chưa rõ bởi không có ai chứng nhận những chứng cứ này là đảm bảo.

Ngay cả trong trường hợp Google và Yahoo đồng ý hợp tác cung cấp thông tin cho cơ quan tố tụng, đây có thể chỉ là những thông tin để hỗ trợ đấu tranh tìm các chứng cứ khác (chứng cứ thông thường) chứ không chỉ dựa vào chứng cứ điện tử này để kết luận.

Với hàng loạt vụ việc xảy ra gần đây như phim nóng của Hoàng Thùy Linh, hay kiện tụng của ca sỹ Phương Thanh, v.v…, đã đến lúc chúng ta phải làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ này để hỗ trợ cho quá trình xử lý những vụ việc trên.

Tôi được biết, khi xảy ra các vụ việc trên, phía Google có trả lời, nếu có yêu cầu của toà án tại nước Mỹ, họ sẽ hợp tác cung cấp thông tin. Nhưng ở Việt Nam, cần phải có hiệp định hỗ trợ pháp luật giữa hai quốc gia, Google mới làm được điều này.

NHẬT MINH - (Theo Tiền Phong)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới