Đầu tiên phải làm mặt nạ phòng độc
Làm mặt nạ phòng độc không hề khó. Trung tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PC&CC TP.HCM, khẳng định. Đa phần nạn nhân của các vụ hỏa hoạn thường không chết vì cháy mà họ chết vì bị ngạt khí.
Những người dân chung cư Carina may mắn thoát chết sau vụ cháy kinh hoàng.
“Chỉ cần hít phải vài ba hơi khí độc là đủ choáng váng, ngất xỉu rồi. Ngất xỉu thì làm sao chạy, kêu cứu được. Nếu có mặt nạ chống độc khói, người dân có thể đeo vào và tháo chạy hoặc kéo dài thời gian đợi lực lượng cảnh sát PCCC tới”, ông Tuyến nói.
Vậy có thể tự tạo ra mặt nạ chống độc khói bằng cách nào?
Bạn có thể dùng chăn, khăn mặt, khẩu trang, áo, mền,... (thậm chí là cả áo lót nhúng nước để tự tạo ra mặt nạ chống độc cho mình. Những vật dụng dùng để phòng độc nên nhúng nước vì nước giúp lọc độc hiệu quả hơn và khói khó xuyên qua được.
Tuyệt đối không di chuyển bằng thang máy
Chung cư, nhà cao tầng thường có thang máy để việc di chuyển nhanh chóng, tiện lợi hơn. Tuy nhiên, nếu hỏa hoạn xảy ra, việc di chuyển bằng thang máy chẳng khác gì tự sát.
Trung tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng tham mưu Cảnh sát PC&CC TP.HCM: "Tuyệt đối không được nhảy liều!"
“Thứ nhất vì khi cháy, khói bốc lên cao, buồng thang máy dễ bị nhiễm khói độc. Không gian nhỏ hẹp trong thang máy cùng việc bị nhiễm độc khói dễ khiến người ta bị ngạt thở, ngất xỉu, mất ý thức nhanh hơn. Thứ hai khi cháy thường bị mất điện, thang máy không hoạt động, rất nguy hiểm. Thay vì đi thang máy, người dân nên di chuyển bằng cầu thang bộ, tìm cách thoát ra ngoài”, ông Tuyến khuyến cáo.
Cúi thấp người, nép sát vào tường khi di chuyển
Khí cháy khói sẽ tụ ở phía trên, dưỡng khí tập trung phía dưới. Việc cúi thấp người giúp tranh thủ dưỡng khí, hạn chế tối đa việc hít phải khí độc, khói độc. Trên thực tế, trong một đám cháy, khói và khí độc làm nhiều người bị hại hơn là lửa.
“Người dân có thể cúi sát xuống sàn nhà, bò bằng bàn tay và đầu gối dưới đám khói. Trên đường thoát nạn nên nép sát vào tường vì vị trí này sẽ hạn chế thấp nhất xác suất bị la-phông, vật nặng từ trần nhà bị cháy rơi xuống. Bên cạnh đó đi ở giữa dễ bị chen lấn, xô đẩy, nhiều người chưa chết vì cháy mà đã chết vì bị giẫm đạp, ngạt thở. Cuối cùng, khi tường bị sụp đổ do cháy, việc nép sát tường sẽ giúp lực bị va đập nhỏ hơn so với những vị trí khác”, Trung tá Tuyến khẳng định.
Sờ cửa xem có nóng không mới mở
Ông Tuyến khuyến cáo trước khi mở cửa, người dân phải dùng tay sờ xem cửa có nóng không. Nếu thấy nóng, thấy khói bốc lên nghi ngút từ dưới cửa thì tuyệt đối không được mở, phải di chuyển sang hướng khác. Lửa đã bén đến cửa, việc mở cửa sẽ khiến lửa bùng lên, ập vào thiêu cháy.
Khi mở cửa, phải mở từ từ, nép người sau cánh cửa để đảm bảo an toàn tối đa.
Nếu mở cửa mà không thể thoát được thì phải đóng lại ngay, tránh cháy lan, phần nào làm chậm tốc độ cháy.
Chèn cửa không để khói độc vào
Chị Lưu Thị Bích Phượng, Bí thư, Chủ tịch phường Nguyễn Thái Bình, ra đi ở độ tuổi 50. Ảnh: HL
Trường hợp bất khả kháng, không thể ra ngoài, thay vì cố gắng chen chúc chạy rồi dẫm đạp, ngạt khói, người dân nên tìm mọi cách chèn cửa để khói độc không bay vào nhà. Có thể dùng chăn, quần áo thấm ướt để khói độc khó xâm nhập hơn. Kế đó, chạy ra ban công hoặc nơi thoáng khí hơn ra tín hiệu cầu cứu.
Câu chuyện nhiều gia đình tại chung cư Carina thoát chết nhờ ở lại trong nhà chính là một ví dụ. Nhớ lại giây phút đó, ông Nghị (một người dân tại đây) không khỏi bàng hoàng: “Gia đình tôi dùng khăn ướt áp vào mặt, hỗ trợ cho những người mới vào. Tất cả ôm nhau run rẩy ngồi trong căn nhà lúc này tối om om vì cúp điện.
Theo ông Nghị, trường hợp những người đã ra hành lanh đầy khói chỉ cần gõ cửa những nhà có người rồi vào trong ở cùng là an toàn. “Những nạn nhân phần đông là chạy xuống cầu thang bộ và bị ngạt khói, ngất xỉu. Những người khác thì có thể ở trong nhà nhưng quá gần vụ cháy nên khói vào phòng quá nhiều” - ông Nghị tiếp.
“Phải căn cứ vào tình hình thực tế, tuyệt đối không được nhảy liều”, Trung tá Huỳnh Quang Tuyến nói.