Theo thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 5-7, trong vụ một thiếu nữ chết ở BV Năm Căn (Cà Mau), Công an huyện Năm Căn chưa xem xét trách nhiệm hình sự đối với các bác sĩ vì “còn chờ ngành y tế”. Trưởng công an huyện này cho biết theo quy trình thì Thanh tra Sở Y tế phải có kết luận về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của bác sĩ kèm việc chuyển hồ sơ đề nghị sang công an. Bấy giờ công an mới xem xét việc xử lý hình sự. Sở Y tế tỉnh này lại cho rằng thanh tra sở không vào cuộc, với hồ sơ sự việc (không phải là hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự) mà ngành đã chuyển sang thì công an có quyền quyết định. Ai đúng, ai sai và cách thức xử lý phải như thế nào là đúng luật?
Không cần có công văn đề nghị
Ngày 1-7, Hội đồng Chuyên môn (gồm những thầy thuốc giỏi đến từ TP Cà Mau) đã tiến hành xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật trong vụ việc trên.Và rồikết luận cho thấy “có sai sót chuyên môn ở ê-kíp trực của bác sĩ phó khoa sản và hai bác sĩ tham gia hội chẩn”. Cụ thể, các y, bác sĩ yếu chuyên môn, bỏ sót tình trạng bệnh lý vì không khám toàn diện dẫn đến chẩn đoán sai. Từ đó, bệnh nhân không được siêu âm tổng quát, chụp X-quang đầu cũng như theo dõi diễn tiến bệnh thường xuyên nên đã tử vong sau một ngày đêm nhập viện.
Trước cái chết của bệnh nhân Hiền, một số đối tượng đã có hành động quá khích là đập phá nhà của giám đốc BV đa khoa huyện Năm Căn (Cà Mau). Ảnh: TRẦN Vũ
Khoản 4 Điều 75 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Kết luận của Hội đồng Chuyên môn là cơ sở để giải quyết tranh chấp (về khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến đối với người bệnh) hoặc để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định giải quyết vụ việc; là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với người hành nghề”.
Theo đó, cơ quan y tế địa phương đã làm đúng luật khi căn cứ vào kết luận của Hội đồng Chuyên môn để xử lý kỷ luật các y, bác sĩ liên quan. Ngược lại, Công an huyện Năm Căn đã chưa làm đúng quy định khi không căn cứ vào kết luận đó để xem xét, quyết định giải quyết vụ việc.
Chủ động xác định dấu hiệu tội phạm
Trước khi Hội đồng Chuyên môn ra kết luận, công an huyện có cho biết: “Đang xem xét trách nhiệm của các y, bác sĩ trong việc để xảy ra vụ việc”. Dường như vì thông tin này mà có ý kiến cho rằng vụ việc có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 Bộ luật Hình sự. Thế nhưng cũng có người nói vụ việc có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh theo Điều 242 Bộ luật Hình sự.
Dẫu chưa rõ có dấu hiệu tội phạm hay không và nếu có là tội gì nhưng đối chiếu với điều khoản đã nêu của Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì có thể thống nhất: Công an huyện hoàn toàn có quyền xem xét đến việc xử lý hình sự mà không cần chờ kết luận vi phạm của Thanh tra Sở y tế và đề nghị của ngành y tế. Tất nhiên để có câu trả lời chính xác thì họ phải xem xét, xác minh, trong đó có việc làm rõ thông tin “người nhà bệnh nhân đã sớm báo động với bác sĩ nhiều lần về tình trạng sức khỏe rất kém của bệnh nhân nhưng bác sĩ vẫn tỏ ra thờ ơ…”. Trường hợp khởi tố tội này nhưng qua điều tra thấy có dấu hiệu của tội khác thì họ có thể thay đổi tội danh.
Tóm lại, cái gì có thể làm được thì công an huyện hãy tích cực làm. Bởi việc chần chừ, thoái thác, không hành động mà không có lý do chính đáng đồng nghĩa với việc đùn đẩy, chưa làm tròn trách nhiệm được pháp luật giao phó.
Luật sư TÔ NGỌC MINH TUẤN