Trước đó, trong cơn bão số 5 năm 1997, tàu cá của gia đình ông Sơn đang đánh bắt ở đảo Hòn Khoai (Cà Mau) thì bị bão đánh chìm. Năm 1998, ông Sơn vay 1,3 tỉ đồng của một ngân hàng (NH). Năm 2011, NH khởi kiện yêu cầu ông phải trả hơn 1,6 tỉ đồng (gốc 474 triệu đồng và hơn 1,1 tỉ đồng lãi quá hạn). Cả TAND TP Mỹ Tho và tỉnh Tiền Giang đều chấp nhận yêu cầu của NH. Đầu năm 2012, căn nhà đang sinh sống và chiếc tàu cá của gia đình ông bị bán để thi hành án.
Tháng 4-2015, TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản án. Lý do, ông Sơn vay nợ NH sau cơn bão số 5 nhưng hai cấp tòa đã không làm rõ việc vay vốn NH có thuộc diện được hưởng ưu đãi về lãi suất theo Quyết định 144 ngày 24-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ hay không. Việc buộc ông Sơn phải trả lãi cho NH theo mức lãi suất được ghi trong hợp đồng tín dụng ban đầu là chưa đủ cơ sở.
Cấp giám đốc thẩm giao hồ sơ về cho TAND TP Mỹ Tho xử sơ thẩm lại từ đầu và ông Sơn rất mong muốn vụ án sớm được xử lại để quyền lợi được đảm bảo. Sau đó tòa này đình chỉ vụ án với lý do NH rút đơn khởi kiện, nhận quyết định đình chỉ ông Sơn mới té ngửa. Lúc này việc THA đã xong, toàn bộ tài sản của gia đình ông Sơn đã không còn, vợ ông đột quỵ rồi mất, các con tứ tán đi làm thuê, ông Sơn phải đi bán vé số sống qua ngày...
Ông Sơn yêu cầu TAND tỉnh Tiền Giang bồi thường thiệt hại thì nơi đây hướng dẫn ông khởi kiện ngược lại NH để yêu cầu xem xét lại số tiền mà gia đình ông có nghĩa vụ trả…
Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) cho rằng theo tình tiết vụ việc thì việc TAND TP Mỹ Tho tự ý đình chỉ giải quyết vụ án mà không hỏi ý kiến của ông Sơn là sai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của ông. Trong khi ông Sơn luôn mong muốn được tòa TP Mỹ Tho sớm xét xử lại để làm rõ số tiền mình phải trả NH là bao nhiêu.
Cụ thể, tại văn bản giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01 ngày 7-4-2017 của TAND Tối cao có hướng dẫn rõ về vấn đề này. Tiểu mục 17 Mục IV của văn bản nêu: Trường hợp vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện mà vẫn vắng mặt thì tòa án giải quyết thế nào?
TAND Tối cao giải đáp như sau: Khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015 quy định: Trường hợp vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn và người liên quan.
Trường hợp bị đơn, người liên quan không đồng ý thì tòa án không ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án mà phải giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
Nếu bị đơn hoặc người liên quan đã được tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt và cũng không có ý kiến gì về việc nguyên đơn rút đơn thì được coi là đồng ý với việc rút đơn của nguyên đơn. Lúc này, tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có).
Cũng theo ông Hùng, trong vụ này, để tránh bị rút đơn khởi kiện “oan” thì sau khi TAND TP Mỹ Tho thụ lý lại vụ kiện, ông Sơn nên có đơn phản tố đưa ra yêu cầu của mình với NH. Lúc này, giả sử phía NH có rút đơn thì tòa cũng phải tiếp tục giải quyết vụ kiện vì phía bị đơn đã phản tố.