Vụ cưới vợ chưa đủ 18 tuổi: Có bắt buộc phải giám định tuổi?

(PLO)- Trước khi cưới người nhà nói T đã đủ 18 tuổi, sau đó lại tố cáo; trong khi không có giấy chứng sinh, không làm việc được với người đỡ đẻ của mẹ bị hại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trong số báo trước, Nguyễn Tuấn Khanh ở thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng bị kết án về tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Bị hại chính là cô gái từng cùng Khanh tổ chức đám cưới và sau đó chung sống một thời gian với Khanh.

Trong vụ án này, vấn đề tuổi của bị hại là căn cứ quan trọng để kết tội bị cáo, tuy nhiên do bị hại đã có giấy khai sinh rõ ngày tháng năm sinh nên tòa kết luận không cần giám định tuổi. Vậy khi nào thì cần thiết giám định độ tuổi trong tố tụng hình sự, nếu bị hại không có giấy chứng sinh thì có phải giám định tuổi?

Tòa: Đã có giấy khai sinh, không cần giám định

Tháng 3-2021, Khanh tổ chức lễ cưới với TTNT (sinh ngày 17-7-2005), có sự chứng kiến của hai bên gia đình. Sau lễ cưới, cả hai chung sống tại nhà của Khanh. Cuối tháng 6-2021, cả hai xảy ra mâu thuẫn nên T về nhà mẹ ruột sống.

Đến ngày 22-7-2022, mẹ T tố cáo Khanh quan hệ tình dục với T khi T chưa đủ 16 tuổi.

Ảnh đám cưới của Khanh và T. Ảnh: NVCC

Ảnh đám cưới của Khanh và T. Ảnh: NVCC

Tháng 5-2023, TAND thị xã Ngã Năm phạt Khanh ba năm tù về tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Cả Khanh và luật sư của Khanh đều yêu cầu HĐXX trưng cầu giám định tuổi của bị hại.

Tuy nhiên, theo HĐXX cấp sơ thẩm, dù bị hại không có giấy chứng sinh nhưng các giấy tờ khác của bị hại không có mâu thuẫn. Từ khi bị hại được cấp giấy khai sinh đến nay, không có khiếu nại hay có cơ quan nào thu hồi; bị hại vẫn sử dụng giấy khai sinh này vào việc đi học.

Do không có tài liệu, chứng cứ khác cho rằng có nghi ngờ về tính xác thực về độ tuổi của bị hại nên không có căn cứ để giám định độ tuổi.

Cấp phúc thẩm sau đó cũng không chấp nhận giám định tuổi nhưng có giảm một nửa mức án cho Khanh.

Từ nhận định của các cấp tòa, đối chiếu với Điều 417 BLTTHS 2015 và Điều 6 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH, việc xác định tuổi của bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu như giấy chứng sinh; giấy khai sinh; CMND, CCCD; sổ hộ khẩu; hộ chiếu. Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

Như vậy, nếu bị hại không có giấy tờ xác định được năm sinh hoặc sau khi áp dụng các biện pháp xác minh khác mà không xác định được năm sinh thì sẽ trưng cầu giám định để xác định độ tuổi.

Trong vụ án này, bị hại có giấy khai sinh xác định rõ năm sinh, do đó không thuộc trường hợp phải giám định.

Tránh oan sai nhờ xác định tuổi qua giám định xương

Một giám định viên cao cấp của cơ quan pháp y Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) khu vực phía Nam tại TP.HCM từng khẳng định thế mạnh của phương pháp xác định độ tuổi qua giám định xương.

Vị này cho biết: “Chỉ cần có ảnh chụp X-quang khung xương của đối tượng, bằng phương pháp này, chúng tôi xác định tuổi chính xác đến từng tháng”.

Cần giám định tuổi để giải quyết vụ án

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói: “Để xem xét toàn diện vụ án, cơ quan chức năng cần giám định để xác định độ tuổi của chị T. Bởi lẽ đang có sự mâu thuẫn, bất nhất giữa thông tin mà người thân của chị T cung cấp ban đầu (trước khi cưới nói chị T đã đủ 18 tuổi, sau đó lại tố cáo). Trong khi không có giấy chứng sinh, không làm việc được với người đỡ đẻ cho mẹ chị T.

Ngoài ra, theo quy định thì kết quả trưng cầu giám định và giấy khai sinh đều là nguồn chứng cứ. Dựa theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo thì cần phải trưng cầu giám định để có thêm căn cứ xác định độ tuổi của bị hại. Kết quả giám định là một nguồn chứng cứ để cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo và đối chiếu, so sánh với các chứng cứ khác trong vụ án”.

Thực tế có không ít trường hợp đã bị xử lý hình sự khi kết hôn với người chưa đủ 18 tuổi. Những vụ việc này thường xuất hiện ở những khu vực nông thôn, kiến thức pháp luật còn hạn chế. Có rất ít trường hợp bị phát hiện ngăn chặn ngay từ đầu khiến nhiều người phải vướng lao lý.

Do đó, qua vụ việc này, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương cần tuyên truyền pháp luật nhiều hơn nữa để người dân hiểu và biết được các quy định liên quan đến người dưới 18 tuổi, tránh hậu quả không đáng có xảy ra.

Cấp giám đốc thẩm cần hủy án để điều tra lại

Điều 2 Nghị định 123/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì người yêu cầu đăng ký khai sinh phải nộp bản chính giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch như văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh…

Để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, cấp giám đốc thẩm cần hủy cả hai bản án để điều tra lại, thu thập các chứng cứ cần thiết như giấy chứng sinh, hồ sơ nhập viện sinh của sản phụ (nếu có), giám định sự phát triển hệ xương của bị hại… để xác định chính xác thời điểm bị hại đủ 16 tuổi.

Cạnh đó, việc yêu cầu giám định xương để xác định chính xác tuổi là điều cần thiết. Việc giám định xương có thể xác định tuổi với độ sai lệch không quá ba tháng, đối chiếu với trường hợp giấy khai sinh của T là cần thiết, vì theo giấy khai sinh thì T được 15 tuổi chín tháng tính đến tháng 3-2021.

Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm