Ngày 21-3, Toà án thành phố Cà Mau mở lại phiên xử sơ thẩm vụ án "cựu Chủ tịch Cà Mau kiện đòi nhà". Trước đó, ngày 22-2-2024, Toà đã mở phiên toà xét xử nhưng do xuất hiện nhiều tình tiết mới nên tạm ngừng để xác minh thu thập, làm rõ thêm các chứng cứ.
Khi mở lại phiên xử, lại tiếp tục xuất hiện nhiều tình tiết mới, không thể làm sáng tỏ tại toà nên HĐXX đã quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án và sẽ mở lại giải quyết khi xác định được rõ các chứng cứ, tình tiết mới phát sinh.
Cựu chủ tịch tranh luận 28 phút
Là nguyên đơn, Cựu chủ tịch Cà Mau, ông Lê Công Nghiệp được tranh luận trước. Ông đã đưa ra nhiều chứng cứ và lập luận kéo dài gần 28 phút để thuyết phục HĐXX căn nhà là của mình, phía bị đơn là ông Phan Văn Đăng "ngang nhiên chiếm đoạt".
Theo ông Nghiệp, ông và bác sỹ Hồ Tuyết Minh (đã mất, cô của bị đơn Phan Văn Đăng) là bạn bè, hàng xóm thân thiết nên đã từng giúp đỡ bác sỹ Minh mua nhà số 28, Phan Bội Châu, phường 7, TP. Cà Mau. Đầu năm 1994, khi đó ông là Phó chủ tịch tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau), đã cho bà Minh mượn 50 triệu đồng để trả trước một phần mua căn nhà này từ Công ty dịch vụ thương mại Cà Mau. Bà Minh đã trả 42 triệu đồng (số tròn), còn nợ 76 triệu thì bán nhà lại cho ông, với lý do bà muốn về TP.HCM sinh sống.
Ông Nghiệp đã trả dứt điểm số tiền 76 triệu còn lại cho Công ty dịch vụ thương mại Cà Mau và được Công ty thanh lý hợp đồng mua bán ngày 9-6-1994, với các biên bản về việc đã thanh toán đủ tiền nhà, hợp đồng mua bán hoàn tất. Hợp đồng mua bán sau đó được công chứng chứng thực.
Cầm giấy tờ trên, ông Nghiệp để căn nhà cho bà Minh mượn ở. Nay bà Minh đã mất, ông đòi nhà lại nhưng ông Phan Văn Đăng không trả, nên ông khởi kiện ra Toà đòi lại căn nhà. Ông Yêu cầu Toà tuyên buộc ông Đăng dời đi, trả lại nhà cho ông, đồng thời buộc ông Đăng trả ông số tiền khoảng 100 triệu đồng là tiền mà Đăng cho thuê một phần căn nhà kể từ khi ông phát đơn đòi nhà đến nay (khoảng 2 năm).
Ngoài những chứng cứ hồ sơ mua nhà, để thuyết phục HĐXX, ông Nghiệp lập luận thêm: "Tôi thân là Phó chủ tịch tỉnh 10 năm, Chủ tịch tỉnh 3 năm mà vẫn ở trong căn nhà cấp 4, trong khu nhị tỳ, xung quanh toàn mồ mả. Không có lý nào tôi mua rồi đi bán lại cho bà Minh như phía bị đơn lập luận".
Một cơ sở khác mà ông Nghiệp cho rằng không ai phủ nhận được là vụ án hình sự năm xưa của ông. Khi đó, ngày 27-5-2004, Toà án tỉnh Cà Mau đưa ông ra xét xử kết tội ông cũng vì ông mua căn nhà này. Ông Nghiệp trích đọc lại bản án hình sự này, với nội dung: Cơ quan điều tra kết luận ông là người mua căn nhà số 28 Phan Bội Châu, phường 7 TP. Cà Mau nhưng để cho doanh nghiệp trả tiền thay ông số tiền 36 triệu đồng. Từ đó mà HĐXX mới kết án ông phạm tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ và quyền hạn để trục lợi".
Ông Nghiệp nói ở phần tranh luận rằng cơ quan điều tra đã làm rõ ông là người đã mua và trả tiền đầy đủ căn nhà này. Và đó cũng là lý do mà ông bị khởi tố, điều tra, xét xử khi đang là Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. "Nếu HĐXX tuyên căn nhà này không phải của tôi thì tôi vô cùng cảm ơn". Ông lý giải thêm nếu tuyên như vậy thì bản án này sẽ giúp ông chống lại bản án hình sự năm xưa.
Bị đơn phản pháo
Chứng cứ tranh luận quan trọng của phía bị đơn cũng là hồ sơ vụ án hình sự năm xưa của ông Nghiệp. Bị đơn đưa ra 2 bút lục quan trọng, đó là bút lục số 108, lập ngày 13-8-2002, ông Nghiệp khai sau khi trả tiền hoàn tất mua căn nhà 28 Phan Bội Châu xong thì ông đã bán ngược lại cho bà Minh. Bà Minh đã trả tiền nhiều lần cho ông, còn nợ trên dưới 10 triệu đồng. Và bút lục 572, ngày 5-11-2002, bà Minh cũng khai giống như ông Nghiệp đã khai ở bút lục 108, chỉ khác số tiền còn thiếu lại ông Nghiệp chỉ là 7 triệu đồng.
Tại bút lục này, bà Minh còn nói rõ là trả tiền qua anh Minh tài xế của ông Nghiệp, thường bỏ trong gói giấy, dán kỹ. Ông Minh tài xế cũng đã có lời khai trong vụ án đòi nhà này, khẳng định có nhiều lần nhận tiền trong gói giấy bà Minh đưa, về đưa lại cho ông Lê Công Nghiệp.
Phía bị đơn phản pháo việc ông Nghiệp cho rằng bản án hình sự năm xưa đã xác định căn nhà 28 Phan Bội Châu là của ông Nghiệp. Bởi lẽ, bản án hình sự của ông Nghiệp không có xét việc dân sự căn nhà của ai, mà chỉ xét lúc mua căn nhà này, ông Nghiệp có lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ để khiến doanh nghiệp trả tiền nhà thay ông hay không.
Bị đơn thừa nhận ông Nghiệp thực tế có mua nhà 28 Phan Bội Châu, nhưng đã bán lại cho bà Minh, có chứng cứ là lời khai của ông, của bà Minh trong vụ án năm xưa như vừa nêu trên. Ngoài ra, bị đơn còn đưa ra nhiều cơ sở khác để khẳng định căn nhà là của bà Minh, không chấp nhận yêu cầu trả nhà cho ông Nghiệp.
Đối đáp lại phía bị đơn, ông Nghiệp cho rằng, lời khai bán nhà lại cho bà Minh là đối phó tình huống điều tra lúc bấy giờ, nó không đúng sự thật và nó đã không được HĐXX chấp nhận, đã bị bỏ đi...
Khi hai bên không còn tranh luận, HĐXX bất ngờ quay trở lại phần hỏi và phát hiện ra có những điều chưa rõ ràng ngay từ đầu.
Toà hỏi lại nội dung khởi kiện của ông Nghiệp là gì, ông Nghiệp bảo khởi kiện bị đơn Phan Văn Đăng "công nhiên chiếm đoạt nhà mình". Toà giải thích ông đã từng tố cáo bị đơn tội này nhưng đã bị cơ quan điều tra không chấp nhận, xác định không có việc công nhiên chiếm đoạt. Ông Nghiệp cũng không chấp nhận khởi kiện đòi lại quyền sở hữu nhà, vì ông khẳng định căn nhà đã là của ông từ đầu, vì ông cho bà Minh mượn ở, còn ông Phan Văn Đăng là cháu ruột bà Minh, cũng không phải là con nuôi nên không có quyền lợi gì trong đây.
Chủ toạ xác định ông Nghiệp chỉ có giấy hợp đồng mua bán, nhưng chưa từng được giao nhà và phía bà Minh có tên trên đăng ký mục kê địa chính. Từ đó, Chủ toạ khẳng định nhà vẫn chưa được xác định là của ông Nghiệp hay bà Minh.
Đến đây, sau hội ý ngắn với hai hội thẩm, Chủ toạ tuyên bố tạm đình chỉ giải quyết vụ án do hết thời gian tạm ngừng phiên toà và còn nhiều vấn đề về chứng cứ mới chưa được làm rõ.