Vụ cựu viện phó VKS sàm sỡ bé gái và khoảng mờ pháp lý

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, chiều 3-4, ông Nguyễn Hữu Linh, cựu phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng, đã có mặt tại Công an quận 4, TP.HCM để làm việc liên quan đến hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy.

Chỉ nựng bé gái?

Trước đó, ông Linh (61 tuổi, ngụ quận Hải Châu) xác nhận với PV rằng ông chính là người xuất hiện trong clip “sàm sỡ bé gái ở quận 4, TP.HCM”. Ông cho biết thời điểm đi trong thang máy, ông không sử dụng rượu bia. Ông cho rằng mình chỉ nựng bé gái và từ chối nói về lý do. Một nguồn tin khác cho biết sau khi vụ việc xảy ra, ông Linh và gia đình bé gái có bước thương lượng với nhau, sau đó ông về TP Đà Nẵng.

Trước đó, trên Facebook lan truyền clip dài gần một phút ghi lại hình ảnh một bé gái và ông Linh cùng bước vào thang máy. Mỗi người đứng một góc riêng nhưng sau khi cửa thang máy đóng lại, ông Linh tiến lại ôm hôn và có những hành động như sờ vào những điểm nhạy cảm của bé gái (camera bị góc khuất nên không rõ). Bé gái bước vội đến trước cửa thang máy nhưng ông Linh vừa nghe điện thoại vừa kéo bé gái về phía mình và tiếp tục ôm. Chỉ đến khi cửa thang máy mở, bé gái mới chạy được ra ngoài. Bé gái hoảng sợ đến mức té, xong đứng lên chạy tiếp.

Ngay trong ngày 3-4, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo xử lý thông tin liên quan đến vụ việc. Theo đó, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Công an TP Đà Nẵng khẩn trương phối hợp với Công an TP.HCM xác minh thông tin trên, báo cáo UBND TP Đà Nẵng. Cùng ngày, một lãnh đạo VKSND Tối cao cho biết hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy ở quận 4 là rất nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm theo các quy định pháp luật hình sự.

Xử hình sự được không?

Hiện Công an quận 4 (TP.HCM) đang làm việc với ông Linh để xác minh, làm rõ hành vi của ông này. Vấn đề pháp lý đặt ra là theo quy định thì có thể xử lý ông Linh về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) hay không?

Theo luật sư (LS) Nguyễn Quốc Cường (Đoàn LS TP.HCM), bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử ngày 11-5-1967 của TAND Tối cao hướng dẫn: Dâm ô là có hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thỏa mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó. Tiếp đó, Thông tư liên tịch số 01 ngày 2-1-1998 (TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Nội vụ) hướng dẫn: Hành vi dâm ô đối với trẻ em là sờ, bóp vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không có việc giao cấu.

Ảnh trong thang máy do camera ghi lại.

Văn bản hướng dẫn là vậy nhưng không rõ do đâu, từ khi nào các cơ quan tố tụng lại cho rằng phải có hành vi đụng chạm đến bộ phận sinh dục thì mới cấu thành tội dâm ô, nếu sờ mó vào những bộ phận khác thì không. “Chẳng hạn gần đây nhất là vụ một thầy giáo tiểu học ở Bắc Giang đã xoa lưng, vỗ mông một số học sinh nữ nhưng chỉ bị kỷ luật chứ không bị xử lý hình sự” - LS Cường nói.

Điều luật đang thiếu hướng dẫn

Theo LS Nguyễn Quốc Cường, các văn bản hướng dẫn trên còn quá chung chung, không còn phù hợp với thực tiễn khi hành vi liên quan đến các tội phạm về tình dục đang diễn ra ngày càng nhiều, phức tạp và biến tướng. Cơ quan có thẩm quyền được giao giải thích pháp luật là Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần có ngay hướng dẫn cụ thể về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Nên quy định trong cấu thành của tội này không bắt buộc phải tác động vào bộ phận sinh dục của trẻ mà là mọi thủ đoạn có tính chất dâm dục nhằm thỏa mãn dục vọng, tức là chỉ sờ soạng lên thân thể, hôn hít, sờ mó vào những bộ phận khác như đùi, ngực, mông… để thỏa mãn sinh lý, vì đòi hỏi sinh lý thì cũng cấu thành tội.

ThS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng cho rằng hiện BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có hướng dẫn cụ thể. Trong bản dự thảo thuyết minh BLHS 2015, ban soạn thảo định nghĩa: Hành vi dâm ô được coi là đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm của trẻ em hoặc buộc trẻ em đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm của người phạm tội. Thế nào là những bộ phận nhạy cảm? Câu hỏi vẫn còn lửng lơ. Vì thế, rất cần cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định hướng dẫn cụ thể để hiểu và áp dụng thống nhất.

Sáng 3-4, bên lề buổi giám sát về giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM, trả lời báo chí về các vụ xâm hại trẻ em, ông Triệu Thế Hùng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cũng cho rằng pháp luật cần bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn để có hình thức chế tài mạnh đủ sức răn đe, thể hiện quyết liệt hơn việc bảo vệ trẻ em.

Ủy ban Tư pháp giám sát vấn đề phòng, chống tội phạm tình dục

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ mời TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH và một số ngành liên quan cùng làm việc để đánh giá tình hình chấp hành pháp luật trong phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Hoạt động giám sát này được triển khai ngay vào thời điểm xảy ra nhiều vụ quấy rối, xâm hại tình dục gây bức xúc dư luận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết năm 2017, cơ quan này đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức họp với các cơ quan, tổ chức. Qua làm việc, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và khối tư pháp đã đánh giá những lỗ hổng trong pháp luật và thực thi. Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị nhiều giải pháp.

Ông Hồng nói: “Nay trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại tình dục thì chúng tôi thấy cần phải họp để đánh giá xem các kiến nghị của mình đã được thực hiện, triển khai đến đâu; nếu có chậm trễ, vướng mắc thì tại sao và giải pháp cho thời gian tới. Cuộc họp sẽ mời các đại biểu Quốc hội có quan tâm, am hiểu tới lĩnh vực này. Do đó nội dung được đề cập có thể không chỉ dừng lại ở kết quả, kiến nghị lần trước mà mở rộng sang cả các biện pháp hành chính liên quan đến bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục”.

NGHĨA NHÂN

Hôn trẻ em là quấy rối tình dục, bị phạt tù

Hầu hết pháp luật các nước đều thừa nhận hành vi ép hôn là một dạng tội phạm quấy rối tình dục (QRTD) và bị phạt nặng, nhất là khi người bị hại là trẻ em. Thậm chí tòa án có thể ban hành lệnh cấm “yêu râu xanh” không được tiếp xúc với trẻ em.

Tại Canada, các hành vi như động chạm đến thân thể, bộ phận nhạy cảm hoặc có các lời nói, cử chỉ ám chỉ đến các hoạt động tình dục mà không được sự đồng ý của nạn nhân đều bị coi là QRTD. Với nạn nhân dưới 16 tuổi, nếu hành vi quấy rối ít nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ sáu tháng đến hai năm tù giam; trong khi các hành vi QRTD nghiêm trọng có thể bị phạt từ một đến 14 năm tù giam.

Tại Mỹ, luật quy định việc động chạm đến thân thể người khác mà không được cho phép nhằm thỏa mãn nhục dục hay có lời nói, cử chỉ mang tính nhục dục xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt tù đến hai năm và phạt tiền đến 10.000 USD (hơn 230 triệu đồng), kèm theo các hình thức quản chế liên tục sau khi ra tù, thậm chí người phạm tội có thể bị cấm tiếp xúc trẻ em.

Tại Úc, dù mỗi bang có hình phạt khác nhau về hành vi QRTD nhưng tựu trung lại kẻ quấy rối có thể phải chịu án phạt lên đến 12 năm tù giam hoặc thậm chí 20 năm tù giam nếu tòa xét thấy tính chất nghiêm trọng.

 ĐẠI THẮNG

Gia đình cháu bé không yêu cầu vẫn khởi tố được

Khoản 1 Điều 155 BLTTHS (về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại) quy định: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS khi có yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại là người dưới 18 tuổi. Quy định liệt kê này không có tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146 BLHS), tức là việc khởi tố không phụ thuộc vào ý kiến của gia đình cháu bé mà phụ thuộc vào việc chứng cứ có đủ hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm