Vụ đình chỉ để né bồi thường: CQĐT áp dụng sai BLHS

Một vấn đề khác rất đáng chú ý ở đây là Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè (CQĐT) đã áp dụng sai quy định tại Điều 29 BLHS 2015 để miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) cho ông Nhật.

Cụ thể, tại bản kết luận điều tra mới nhất, CQĐT kết luận: “Do chuyển biến của tình hình mà hành vi của Nguyễn Hồng Nhật không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 29 BLHS nên miễn TNHS đối với Nguyễn Hồng Nhật”.

Trong khi đó, điểm a khoản 2 Điều 29 BLHS 2015 quy định: “Người phạm tội có thể được miễn TNHS khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.

Còn nếu miễn TNHS do hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì phải áp dụng điểm a khoản 1 Điều 29 BLHS 2015, nguyên văn: “Người phạm tội được miễn TNHS khi có một trong những căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.

Ông Nguyễn Hồng Nhật, người đang khiếu nại kêu oan. Ảnh: YC

Nói cách khác, bản kết luận điều tra của CQĐT đã nhầm lẫn trong áp dụng điều khoản của BLHS năm 2015 để miễn TNHS cho bị can Nguyễn Hồng Nhật.

Cần lưu ý thêm: để được miễn TNHS do “hành vi phạm tội” không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì phải có điều kiện là “do có sự thay đổi chính sách, pháp luật”. Mà đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì từ năm 2006 đến nay không có sự thay đổi nào về chính sách hoặc thay đổi nào về pháp luật làm cho hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Vấn đề tiếp nữa cần đặt ra: Mặc dù áp dụng không đúng quy định của BLHS 2015 về miễn TNHS như đã nói nhưng tại sao CQĐT vẫn ra quyết định miễn TNHS đối với ông Nhật và đình chỉ điều tra?

Miễn TNHS là không buộc một người phải chịu TNHS về tội mà họ đã phạm. Khi CQĐT miễn TNHS đối với ông Nhật thì cũng đồng thời khẳng định ông Nhật có phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và không thuộc trường hợp oan sai.

Tuy nhiên, không có chứng cứ để kết luận ông Nhật phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hay nói cách khác ông Nhật không phạm tội mà đây chỉ là tranh chấp trong quan hệ dân sự giữa ông với chủ nợ. Các cơ quan tố tụng đã “tội phạm hóa” (hình sự hóa) quan hệ dân sự liên quan đến giao dịch đất đai giữa ông Nhật với chủ nợ. Điều đó cũng có nghĩa là các cơ quan tố tụng huyện Nhà Bè đã gây oan sai cho ông Nhật trong vụ án này.

Nếu CQĐT đình chỉ điều tra do “đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015 (cũng có nghĩa là ông Nhật không phạm tội, bị oan) thì sẽ dẫn đến các hậu quả sau:

- Thứ nhất, về trách nhiệm bồi thường oan trong tố tụng hình sự, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 thì TAND huyện Nhà Bè là cơ quan cuối cùng gây oan sai nên phải chịu trách nhiệm bồi thường.

- Thứ hai, theo quy định của ngành công an, VKS, tòa án thì các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán liên quan trong vụ án đều bị kỷ luật theo quy định của ngành.

Còn với việc CQĐT ra quyết định miễn TNHS (dù không đúng quy định của BLHS 2015) đối với ông Nhật, TAND huyện Nhà Bè sẽ không phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại; điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán liên quan cũng không bị xem xét kỷ luật.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự,
Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm