Ngày 13-7, TAND tỉnh Đắk Lắk xử sơ thẩm lần 2 đối với bị cáo Tưởng Đăng Thế (45 tuổi, tên gọi khác là Thế Tùng, ngụ xã Ea Kênh, Krông Pắk, Đắk Lắk) về tội "giết người" theo điểm c, n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Toàn cảnh phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: LX |
HĐXX tuyên phạt tù chung thân đối với Thế về tội giết người, như án sơ thẩm và phúc thẩm lần 1 đã tuyên trước đó.
Vụ án này được xét xử lại do tháng 9-2020, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm; chuyển hồ sơ cho VKSND Tối cao để điều tra lại.
Tại phiên tòa hôm nay, Tưởng Đăng Thế một mực kêu oan; nói rằng mình đã nhận tội vì bị điều tra viên (ĐTV) Dương Thế Bình đánh đập.
Các luật sư tham gia phiên tòa cho rằng hiện trường khai báo của vụ án rất bất nhất; bị cáo bị bắt từ một lá đơn tố cáo nặc danh của người dân, chứ không phải ra tự thú...
Đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk giữ quyền công tố ở phiên tòa sơ thẩm giữ nguyên quan điểm đề nghị HĐXX tuyên án chung thân đối với bị cáo Tưởng Đăng Thế.
Theo cáo trạng, khoảng 15 giờ ngày 18-1-2006, vợ chồng ông TPH (ngụ thôn Tân Nam, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) phát hiện con gái là cháu TTKH (13 tuổi) nằm bất tỉnh ở vườn cà phê phía sau nhà, trong tình trạng không mặc quần, đầu chảy nhiều máu. Dù đã được đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, H đã tử vong tối cùng ngày.
Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và thu thập chứng cứ để truy bắt đối tượng.
Ngày 23-1-2006, cơ quan điều tra nhận được đơn tố giác tội phạm của một người dân (giấu tên) tố giác Tưởng Đặng Thế là người đã giết cháu H.
Sáng 26-1-2006, Tưởng Đăng Thế khai nhận nội dung hành vi phạm tội của mình. Thế khai với cơ quan điều tra, khoảng 13h ngày 18-1-2006, sau khi đi nhậu, Thế đã đi xe máy chở anh Trần Đình C về ngủ tại nhà anh C (ở thôn Tân Nam, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk).
Đến 14h cùng ngày, Thế tỉnh dậy, nảy sinh ý định trộm tiền của gia đình anh TPH (gần nhà anh C). Lúc này nhà anh H đang mở cửa, không có ai nên Thế đi bên hông ra sau nhà để quan sát. Đúng lúc cháu TTKH (con gái anh TPH) đang nhặt cành cà phê khô gần bể nước phát hiện. Sợ bị lộ, Thế đã kéo tay cháu gái lôi ra sau nhà và ra tay sát hại H dã man. Thế đã lột quần cháu H vứt bên cạnh nhằm tạo hiện trường vụ án hiếp dâm để đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
Đến khoảng 14 giờ 30, Thế đi ra đường lô cà phê rồi quay lại về nhà anh C và lên giường nằm tiếp.
Theo HĐXX, căn cứ kết quả điều tra ở các giai đoạn tố tụng, lời nhận tội của Thế phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, với kết quả giám định về cơ chế hình thành dấu vết trên thi thể nạn nhân, vật chứng thu giữ trong vụ án. Phù hợp với lời khai của các nhân chứng đi mót cà phê đã gửi xe đạp ở nhà nạn nhân, các nhân chứng đi chăn bò qua khu vực nhà nạn nhân và nhân chứng.
Lời khai của Thế còn phù hợp với lời khai của nhân chứng Nguyễn Thị Loan (người làm đơn tố giác Thế). Bà Loan xác định đã trực tiếp nhìn thấy Tưởng Đăng Thế đi vào khu vực trước cửa nhà nạn nhân, thực hiện hành vi giết nạn nhân tại khu vực phía sau nhà nạn nhân (bút lục số 257,258;773-776).
HĐXX nhận định, việc Tưởng Đăng Thế kêu oan và khai là mình có chứng cứ ngoại phạm là không có cơ sở, nhằm trốn tránh pháp luật.
Quyết định giám đốc thẩm: Lời khai người làm chứng chưa đảm bảo tính khách quan
Cáo trạng thể hiện người làm đơn tố giác Tưởng Đăng Thế là bà Nguyễn Thị Loan (ngụ thôn Tân Nam, xã Ea Kênh).
Theo Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai của bà Loan chưa đảm bảo tính khách quan.
Lý do là để bà Loan đồng ý ra làm chứng, Cơ quan điều tra và VKSND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với anh Trần Văn Thành (con bà Loan) khi đó đang học ngành cảnh sát tại TP.HCM; hứa sau khi tốt nghiệp sẽ sắp xếp cho anh Thành về làm việc tại Công an TP Buôn Ma Thuột.
Ngoài ra, theo báo cáo ngày 14-7-2019 của VKSND tỉnh Đắk Lắk thì thời điểm xảy ra vụ án vào mùa khô, cây cà phê mới thu hoạch nên ít lá, tầm nhìn rộng, dễ quan sát. Còn thời điểm Cơ quan điều tra cho bà Loan tiến hành thực nghiệm vào mùa mưa.
Lúc này cây cà phê đã phát triển lá sum suê nên tầm nhìn bị hạn chế, dẫn tới kết quả thực nghiệm bà Loan không xác định được vị trí cây cà phê bà đã trèo lên để quan sát và tầm nhìn đến nơi Thế đánh cháu H bà không xác định được.
“Như vậy, việc tổ chức cho bà Loan thực nghiệm điều tra trong hoàn cảnh, không gian chưa phù hợp với hiện trường vụ án ở thời điểm xảy ra tội phạm, điều này đã làm ảnh hưởng tới kết quả thực nghiệm cũng như việc đánh giá tính xác thực trong lời khai của bà Loan” - trích Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.