Theo ghi nhận của PV, hàng trăm khối gỗ từ việc chặt hạ cây xanh từ cuối năm 2014 đến nay được lưu giữ thành hai kho chứa.
Kho số 1 nằm cạnh đường nội bộ vườn ươm, dài khoảng 300 m, rộng khoảng 2-3 m với những thân cây lớn nhỏ xếp chồng lên nhau, trong đó có những thân cây dài 2-3 m, vòng cây 2-3 người ôm, có gốc cây lớn như chiếc giường đôi. Đa phần số gỗ này đưa về từ đợt chặt hạ hàng xà cừ trên đường Nguyễn Trãi. Thịt gỗ đỏ au, tươi mới. Nhiều thân gỗ nhựa vẫn chảy.
Kho số 2 nằm sát dãy nhà điều hành của vườn ươm, rộng khoảng 200 m2, với những đống gỗ xếp chồng lên nhau cao như toà nhà. Phần lớn số gỗ này được gom từ việc chỉnh sửa, chặt hạ cây ở nhiều tuyến phố trong năm 2014. Số gỗ này đa phần cũ, nhiều cây rỗng ruột bên trong do mục rỗng.
“Thân, cành cây đường kính dưới 20 cm thì làm củi, đường kính trên 20 cm thì lưu giữ làm gỗ. Từ trước đến nay không hề có chuyện thất thoát gỗ vì từ lúc chặt về, đến lúc bán đấu giá được có quy trình lưu trữ, giám sát chặt chẽ”, ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc Cty Cây xanh Hà Nội khẳng định.
Theo ông Hoàng, ngay từ lúc chặt cây, thu hồi củi gỗ có nhiều thành phần tham gia giám sát, lập biên bản như: Ban quản lý dự án Hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng), đại diện đội bảo vệ Cty, phòng Kế hoạch tổng hợp Cty, Xí nghiệp quản lý cắt sửa cây; tổ công nhân cây xanh. Các thành phần trên xác định khối lượng thu hồi sau đó lập biên bản chi tiết, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm, loại gỗ, tình trạng gỗ, khối lượng gỗ…
Sau khi thu hồi gỗ được vận chuyển về bãi gỗ tập kết của Cty Cây xanh Hà Nội – Vườn ươm Cầu Diễn. Tại đây có biên bản giao nhận, vào sổ lượng gỗ nhập. Sau đó phía Cty Cây xanh tiến hành báo cáo Sở tài chính về khối lượng, chủng loại gỗ để khảo giá thị trường làm cơ sở thực hiện đấu thầu. Sau đó số gỗ này sẽ được bán đấu giá theo quy định thông qua một đơn vị đấu giá độc lập. Theo ông Hoàng, toàn bộ số gỗ trong 2 kho của Cty hiện nay đều thu hồi từ việc chặt hạ cây xanh ở các tuyến phố Nguyễn Trãi, Phố Huế - Hàng Bài, Nguyễn Chí Thanh và chỉnh trang tại một số tuyến phố khác. Toàn bộ số gỗ này đang chờ các thủ tục để bán đấu giá.
Liên quan đến việc báo chí ghi lại bằng chứng một xe tải chở gỗ xà cừ vào làng Chuông (xã Phương Chung, Thanh Oai, Hà Tây) nghi là gỗ tuồn từ việc chặt hạ cây trong nội đô, ông Hoàng khẳng định: “Số gỗ, xe chở gỗ trên không phải của Công ty chúng tôi, vì quy trình chặt, thu hồi gỗ củi rất chặt chẽ, không thể có gỗ lọt ra ngoài. Chúng tôi là doanh nghiệp công ích nhà nước, làm theo đơn giá của nhà nước. Không ai đi chặt cây xanh đô thị để làm mục đích thương mại cả. Tôi tin cơ quan Công an sẽ tự động điều tra, xác minh rõ thông tin trên vì ảnh chụp xe gỗ trên rõ cả biển số xe”, ông Hoàng nói.
Liên quan đến giá thành chặt hạ cây, ông Hoàng cho biết Cty Cây xanh thực hiện theo Quyết định 510/QĐ –UBND ngày 30-1-2015 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị năm 2015 trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, giá thành chặt hạ cao nhất là khoảng 25 triệu đồng đối với cây xà cừ có đường kính lớn hơn 1,2 m và khoảng 15 – 23 triệu đồng/ đối với cây xà cừ có đường kính từ 0,8 -1,2 m. Chi phí đào gốc, lấp đất vào khoảng 10 triệu đồng/cây có đường kính trên 1,2m. Đơn giá chặt hạ các loại cây khác như Sấu, Nhội, Bàng, Bông gòn, Bằng lăng, Chẹo, Lát, Sưa, Long Não, Sao Đen, Đa, Si, Gạo, Tếch, Xoài, Sung... bằng 70% chi phí so với cây xà cừ. “Trong trường hợp đặc biệt, cây có đường kính lớn nằm ở vị trí phải chặt hạ thủ công, đơn giá có thể lên tới 35 triệu đồng/ cây”, ông Hoàng nói.
Theo báo cáo của Cty Cây xanh Hà Nội, từ tháng 12-2014 đến nay, đơn vị này được giao chặt hạ cây tại 3 tuyến phố Nguyễn Trãi, Phố Huế - Hàng Bài và Nguyễn Chí Thanh với tổng số cây bị chặt là 520 cây, thu được 186,9 m3 gỗ xà cừ, gần 31,7 m3 gỗ khác và hơn 23,4 m3 củi. Trong đó: Nguyễn Trãi chặt 294 cây thu hồi gỗ củi của 95 cây xà cừ, 72 cây khác. Chặt bỏ 127 cây không đúng chủng loại như dâu dan, vông, dướng…; Phố Huế - Hàng Bài chặt 115 cây thu hồi gỗ củi 5 cây xà cừ, 48 cây khác. Chặt bỏ 62 cây không đúng chủng loại; Nguyễn Chí Thanh chặt hạ 111 cây thu hồi gỗ của 1 cây xà cừ, 98 cây khác, chặt bỏ 12 cây không đúng chủng loại và di chuyển 128 cây sữa, keo lá chàm về vườn ươm để tái sinh. Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2014 đến nay, Hà Nội tiến hành chặt bỏ, thay thế cây tại một số tuyến phố như: Nguyễn Trãi, Kim Mã, Giảng Võ, Quang Trung, Nguyễn Chí Thanh, Trần Nhân Tông, Nguyễn Thái Học, Phố Huế - Hàng Bài… Trong đó, Cty Cây xanh Hà Nội chỉ phụ trách chặt bỏ cây tại 3 tuyến Phố Huế - Hàng Bài, Nguyễn Trãi và Nguyễn Chí Thanh. |
Một vài hình ảnh về gỗ được chứa trong kho: