Dư luận đang bức xúc về việc hai nhà báo bị đánh khi đang tác nghiệp ở Văn Giang, Hưng Yên và kèm theo đó là cách xử lý khá chậm chạp thiếu chuyên nghiệp của những người có thẩm quyền.
“Phản cảm”, “đáng tiếc”?
Pháp luật tôn trọng quyền bất khả xâm phạm của công dân. Mọi hành vi xâm phạm thân thể người khác đều là phạm pháp, tùy theo mức độ mà xử lý hành chính hay hình sự. Với nhà báo, Luật Báo chí lưu ý “nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Ở đây, không chỉ bị đánh, hai nhà báo còn bị thu thẻ nhà báo, thẻ đảng viên và bị bắt giữ. Một chuỗi hành vi sai pháp luật diễn ra ngay trước mặt các cơ quan công quyền và bởi chính người thực hiện công quyền nhưng không ai diễn đạt đúng tên. Chánh văn phòng UBND tỉnh chỉ cho rằng “Hành động (đánh) như vậy quá phản cảm!”. Phó chủ tịch UBND tỉnh đường hoàng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ: “Quá trình thực hiện đảm bảo đúng trình tự pháp luật, đồng thời có những giải pháp chặt chẽ đảm bảo an toàn cho người và tài sản”. Giám đốc công an tỉnh thì đơn giản: “Vụ việc xảy ra ngoài ý muốn và đáng tiếc”.
Chờ họp để thấu hiểu
Từ việc gọi không đúng tên hành vi đánh nhà báo, những người có trách nhiệm đã có thái độ hành xử chưa đúng mực thậm chí là trái khoáy.
Hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long. Ảnh: THẾ DŨNG
UBND tỉnh đã cào bằng giữa người vi phạm và người bị xâm phạm thông qua yêu cầu “các ban, ngành liên quan tổ chức một cuộc làm việc vào ngày 16-5 để nghe các bên liên quan trình bày sự việc, cung cấp các bằng chứng liên quan”.
Những người bị đánh lại bị đòi hỏi “cung cấp hình ảnh gốc của clip này để chúng tôi xem xét và thậm chí nếu được có thể tìm ra người quay clip cùng những nhân chứng chứng kiến sự việc hôm đó”. Chuyện đó nếu cần tìm hiểu, thu thập thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng chứ không phải những người bị đánh.
Mới đây, Công an tỉnh Hưng Yên vừa gửi giấy mời lãnh đạo Trung tâm Tin - VOV và hai nhà báo đến để “công an tỉnh tổ chức buổi làm việc nhằm có cách nhìn nhận toàn diện thấu hiểu sự việc diễn ra”. Liệu có cách tìm hiểu nào khách quan hơn, không gây áp lực đến các nạn nhân?
Xử lý chậm, vòng vo chỉ càng làm mất niềm tin Cho đến giờ, cơ quan công an không trưng ra được bằng chứng hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long có hành vi kích động, nhục mạ, gây rối hay có hành vi cản trở việc cưỡng chế. Trong khi đó, người dân và đồng nghiệp của hai nhà báo có thể xem video, theo dõi diễn biến xử lý và tin rằng hai nhà báo trên đã không có hành vi nào phạm luật. Theo VnExpress, chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị các nhà báo cung cấp băng video gốc quay cảnh mình bị đánh để làm rõ. Giả sử đấy không phải là một vụ hành hung, mà là một vụ người dân đánh lực lượng cưỡng chế, gây thương tích cho công an thì Công an tỉnh Hưng Yên có chờ đến khi có video gốc mới làm rõ không? Hay ngay chiều hôm ấy, báo chí sẽ nhận được sự chủ động cung cấp thông tin nhiệt tình, hài rõ tên và tội? Một cuộc cưỡng chế phối hợp nhiều lực lượng, được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, chắc chắn phải có kế hoạch chặt chẽ. Trong đó nhiệm vụ, vị trí của từng chiến sĩ đều được bàn trong phương án. Khi xảy ra sự lộn xộn, sĩ quan cảnh sát nào phụ trách khu vực xảy ra lộn xộn ấy phải biết rõ. Vậy mà nửa tháng sau vẫn chưa biết ai đánh nhà báo. Thông tin có thể đến với dân chúng qua nhiều con đường. Giám đốc công an hay chủ tịch tỉnh cũng có nhiều cách ứng xử với công luận tùy theo thẩm quyền và cách nhìn nhận vấn đề của họ. Tuy nhiên, phải xác định niềm tin là thứ mà không một quyền lực hành chính nào có thể cưỡng chế. Trả lời càng chậm, xử lý càng vòng vo thì niềm tin ấy càng mất dần. ĐỨC HIỂN Đây là vụ việc có nhiều khía cạnh pháp lý phải làm rõ và giải quyết theo quy định của pháp luật. Với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, Hội Luật gia Việt Nam đề nghị Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm. Ông PHẠM QUỐC ANH, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam |
ANH THƯ