Sau cuộc nói chuyện, anh chị em thư viện tỉnh còn dẫn chúng tôi đi thăm một số di tích văn hóa lịch sử ở Phố Hiến như chùa Mẫu, đền Trần, Văn miếu Xích Đằng. Buổi chiều chúng tôi về lại Hà Nội trên con đường băng qua huyện Văn Giang lên đê sông Hồng. Cả một vùng nông thôn châu thổ hiện ra trù phú và êm ả. Chúng tôi thấy cả khu Ecopark đang mọc lên giữa những cánh đồng. Trong câu chuyện của chúng tôi khi đi qua đó có nói đến nỗi luyến tiếc những vùng quê sẽ bị đô thị hóa nhưng chúng tôi không hề hay biết sẽ xảy ra cuộc cưỡng chế ngày 24-4 ở mấy xã của Văn Giang.
Một cuộc cưỡng chế huy động hàng ngàn người từ lực lượng công an xã, huyện, tỉnh, cộng thêm với lực lượng dân phòng tại chỗ để “đưa” những người nông dân khỏi mảnh đất sinh sống của họ, lấy mặt bằng cho khu sinh thái được gọi là lớn nhất miền Bắc.
Một cuộc cưỡng chế đã hành hung, đánh đập cả nhà báo đến làm nhiệm vụ đưa tin. Đánh đập ngay cả khi nhà báo đã xưng danh là phóng viên của đài phát thanh quốc gia, ngay cả khi đã nhìn tận mắt các thứ giấy tờ chính thức vẫn không tha. Đến khi bị phát giác, tố cáo lại cho là sự đáng buồn, đáng tiếc, lại đổ cho một vài người. Sự thật và người đi tìm sự thật đã bị hành hung thô bạo.
Một cuộc cưỡng chế mà chính quyền tỉnh Hưng Yên thông qua ông phó chủ tịch tỉnh đã phủ nhận mọi thông tin thực tế cưỡng chế, nói sai sự thật, chỉ đến khi những bằng chứng không thể chối cãi được trưng ra thì mới biện hộ loanh quanh.
Vấn đề nông dân mất đất đang ngày càng nóng bỏng, quyết liệt hơn, ngay cả Chính phủ cũng phải thừa nhận 80% các vụ khiếu kiện hiện nay là liên quan đến chuyện ruộng đất. Luật Đất đai hiện hành đã tỏ ra có nhiều điểm bất cập, cần phải có những thay đổi cơ bản, sát đúng với thực tiễn, để làm cơ sở luật pháp chính yếu cho vấn đề ruộng đất hiện nay, nhất là đối với nông dân. Chính quyền của dân, do dân, vì dân mà đụng độ liên tục với dân là một nguy cơ cho nước.
Tạ lỗi với Văn Giang khi các nhà văn nỗ lực hết mình trên trang viết mà vẫn không kịp ghi lại những biến chuyển dữ dội, ghê gớm của cuộc sống. Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Quốc Hải là hai nhà văn viết về đề tài lịch sử. Những bài học kinh nghiệm của các triều đại trước đây giúp ích được gì cho người lãnh đạo hôm nay? Tôi thì nhớ lại câu nói của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nói với vua Trần Anh Tông: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.
PHẠM XUÂN NGUYÊN