Ngoài những người dân ở trong phòng họp, cả trăm người khác cũng tụ tập ở ngoài cổng để chờ tin. Ông Võ muốn “nói lại” về tờ trình liên quan đến việc giao đất mà ông, với tư cách thứ trưởng, ký trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2004.
Cụ thể, ngày 29-6-2004, ông ký Tờ trình số 99/TTr-BTNMT gửi Thủ tướng Chính phủ, có nội dung tham mưu về việc thu hồi đất ở huyện Văn Giang để xây dựng đường, mương thủy lợi và khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang (sau này được biết đến với tên gọi Ecopark). Một ngày sau, Phó Thủ tướng ký thay Thủ tướng Chính phủ Quyết định 742 về việc giao đất để thực hiện dự án. (Ngày 30-6-2004 là ngày cuối cùng Luật Đất đai 1993 có hiệu lực).
Về thời gian trình và quyết định trong vòng hai ngày, ông Võ lý giải: “Sở dĩ phải đẩy nhanh tiến độ vì là dự án trọng điểm. Khi cuộc sống cần thì không thể chờ luật. Tôi quan niệm như vậy khi đứng trước dự án dù bà con có thể cho rằng tôi sai. Đó là con đường chiến lược, mang lại lợi ích cho Hưng Yên, Hà Nội và ngay cho người dân Văn Giang. Khi ký trình tôi đã cân nhắc kỹ, nếu dừng lại dự án sẽ phải chậm 1,5-2 năm vì phải làm lại từ đầu. Ký thì chắc chắn có điều tiếng. Nhưng nếu phân tích lịch trình toàn bộ như trên thì thấy hợp lý thôi”.
Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ tại buổi đối thoại. Ảnh: N.HƯNG
Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng theo quy định của pháp luật tại thời điểm ký Quyết định 742, thẩm quyền quyết định giao đất thuộc về Chính phủ chứ không phải Thủ tướng Chính phủ. Ông Võ ký tờ trình, trình Thủ tướng Chính phủ cũng sai.
Ông Võ thừa nhận các quyết định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất thì đúng là thuộc thẩm quyền Chính phủ. “Nhưng suốt 10 năm, kể từ ngày 15-10-1993 cho đến ngày 1-7-2004, tất cả dự án đều như thế chứ không phải riêng dự án này. Thông lệ nó là vậy. Đây là một cách vận hành của Chính phủ và tôi cũng đã góp ý là nên thay đổi” - ông nói.
Sau một hồi tranh luận, ông thừa nhận thẩm quyền ban hành Quyết định 742 là không phù hợp với pháp luật. “Nếu có sự ủy quyền của Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ ký cũng không đúng pháp luật”.
Người dân Văn Giang cho rằng trong khi đất của họ chưa bị thu hồi thì đã giao cho nhà đầu tư. Tại buổi đối thoại, ông Võ nói: “Đây là tờ trình về thu hồi đất chứ không phải giao đất. Vì lúc đó cơ chế là không có giao đất (chỉ trừ trường hợp có một nhà đầu tư duy nhất, không qua đấu thầu) mà là đấu thầu nên đáng ra đây là quyết định thu hồi đất để đấu giá”.
Cuối cuộc đối thoại ông Võ đã nhận trách nhiệm về mình: “Ở cương vị cá nhân tôi mà không giám sát được những việc chệch choạc thì tôi chịu trách nhiệm. Còn những thất thoát của bà con, đó là lỗi của tôi”.
Cuộc đối thoại kết thúc trong tiếng vỗ tay của mọi người và sự hài lòng của người dân Văn Giang. Ông Đặng Văn Dật (xã Xuân Quan, Văn Giang) nói: “Bước đầu cởi mở như ông Võ đã cởi được những sợi dây oan ức của nhân dân Văn Giang hàng mấy năm nay… Bản thân ông Võ nhận như thế bước đầu là được. Ông nghỉ hưu lâu rồi nên có thể không nhớ rõ hồ sơ nhưng ông ấy nhận rõ được vấn đề là tốt rồi. Chúng ta sửa được một cái sai thì sẽ sửa được những cái tiếp theo”.
Dự án khu đô thị Văn Giang được Thủ tướng cho phép thực hiện, giao Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô khoảng 500 ha thuộc ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang và 55 ha để làm đường giao thông liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên. Sáng 24-4-2012, UBND huyện Văn Giang đã thực hiện cưỡng chế 5,8 ha đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan gặp phải sự phản đối của khoảng 200 người dân…
Trao đổi với báo chí sau cuộc đối thoại, ông Đặng Hùng Võ cho biết: “Tôi vẫn đang cố gắng để người dân hiểu rằng cái trái thẩm quyền nó có hoàn cảnh. Nhưng người dân không muốn hiểu vì họ bức xúc quá, chẳng thể làm thế nào được. Chúng ta có thể thông cảm… Trong giai đoạn ấy luật pháp về đất đai rất lơ mơ, có thể xây dựng luật thì chặt chẽ nhưng thực hiện hầu như các chính quyền địa phương mỗi nơi một kiểu. Việc ưu tiên tôi cho là có lý do chính đáng, địa phương đang nghèo nàn như thế tự nhiên có nhà đầu tư đến, để họ chờ mãi thì không được. Nếu không ưu tiên thì người ta sẽ đi”. |
ĐOAN TRANG