Vụ hầu tòa vì ngăn cản ‘sa tặc’: ‘Bị cáo thấy phi lý quá!’

(PLO)- Do vụ án có tính chất phức tạp, sau khi kết thúc phần tranh luận và hội ý, HĐXX quyết định nghị án kéo dài thay vì tuyên án ngay như dự kiến.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-6, TAND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) mở lại phiên tòa xét xử vụ bốn người vướng lao lý vì ngăn cản nhóm “sa tặc” hút cát trái phép trên sông.

Bốn bị cáo cùng bị xét xử về cả hai tội bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản, gồm Nguyễn Văn Cường (40 tuổi), Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi), Dương Văn Quý (27 tuổi) và Dương Văn Cương (28 tuổi, cùng trú huyện Sóc Sơn).

Do vụ án có tính chất phức tạp, sau khi kết thúc phần tranh luận và hội ý, HĐXX quyết định nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào sáng 28-6 tới đây.

Nguyễn Văn Cường (bìa phải) cùng ba bị cáo còn lại tại phiên tòa ngày 23-6. Ảnh: UYÊN TRANG

Nguyễn Văn Cường (bìa phải) cùng ba bị cáo còn lại tại phiên tòa ngày 23-6. Ảnh: UYÊN TRANG

“Bị cáo thấy phi lý quá!”

Tại phần xét hỏi, cả bốn bị cáo tiếp tục phản đối nội dung của cáo trạng. Nguyễn Văn Cường khai trước khi ra bến sông có gọi điện báo cho lực lượng công an địa phương. Mục đích ban đầu bị cáo chỉ muốn ngăn cản nhóm “sa tặc” khai thác cát trái phép, khi bị đối phương chém thì mới xảy ra việc giữ người.

Cường nhiều lần đề nghị HĐXX xem xét xử lý đối với người đã gây thương tích cho mình. Theo Cường, hai vụ việc diễn ra cùng thời điểm, có quan hệ nhân quả, nhưng không hiểu sao cơ quan công an lại tách hồ sơ phần gây thương tích, chỉ xử lý phần bắt giữ người. “Bị cáo đi ngăn hút cát trộm, bị chém thương tích, đến nay không xử lý người chém mà chỉ xử bị cáo, như vậy là phi lý quá” – Cường nói.

Luật sư của Cường cũng cho rằng cần làm rõ ai là người gây thương tích cho bị cáo, bởi hai hành vi mà Cường bị truy tố đều xuất phát từ chuyện ngăn cản “sa tặc” rồi bị chém.

Trước vấn đề trên, chủ tọa khẳng định vụ việc cố ý gây thương tích đang được tiếp tục điều tra chứ không phải bỏ lọt. Trong phạm vi phiên tòa, HĐXX chỉ xem xét hành vi mà các bị cáo bị truy tố. Việc gây thương tích cho Cường sẽ được xem xét trong một vụ khác, bị cáo có quyền kiến nghị tới cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát.

Liên quan đến việc “cướp tài sản”, tại phiên tòa hồi tháng 5-2022, bị cáo Dương Văn Cương khai rằng khi nghe thấy điện thoại ông Thành đổ chuông, Cường yêu cầu tắt đi. Ông Thành tắt chuông, chủ động đưa điện thoại cho Cường. HĐXX hỏi Cường lấy điện thoại của ông Thành nhằm mục đích gì? Cương và Nguyễn Tuấn Anh đều cho rằng đó không phải là hành vi cướp, Cường cầm điện thoại là để ngăn ông Thành gọi thêm người đến, tránh xảy ra đánh nhau to.

Hôm nay, Cường nhắc lại lời khai của mình, rằng trên đường đi tới bệnh viện có đưa hai chiếc điện thoại cho em trai, dặn dò phải giao nộp cho công an. Tuy nhiên, khi ở bệnh viện, người nhà của Cường đề nghị giao nộp điện thoại thì công an lại không nhận bàn giao ngay mà nói cứ giữ đến hôm sau…

Đáng chú ý, tòa triệu tập một số người với tư cách chứng kiến sự việc. Những người này đều nói rằng thời điểm nhóm ông Thành được đưa về nhà Cường không bị ai đánh đập, tự do đi lại…

Khu vực xảy ra vụ bắt giữ "sa tặc". Ảnh: UYÊN TRANG
Khu vực xảy ra vụ bắt giữ "sa tặc". Ảnh: UYÊN TRANG

Tranh luận về “phạm tội quả tang”

Bước sang phần tranh luận, đại diện VKS đề nghị tuyên Nguyễn Văn Cường 8-9 năm tù về tội cướp tài sản, 36-42 tháng tù về tội bắt giữ người trái pháp luật, tổng hợp hình phạt 11-12,5 năm tù.

Cùng hai tội danh, Nguyễn Tuấn Anh bị đề nghị lần lượt 5-5,5 năm tù và 18-24 tháng tù, tổng hợp hình phạt 6,5-7,5 năm tù; Dương Văn Cương và Dương Văn Quý cùng bị đề nghị lần lượt 7-7,5 năm tù và 24-30 tháng tù, tổng hợp hình phạt 9-10 năm tù.

Kiểm sát viên nhận định có đủ căn cứ xác định bốn bị cáo dùng vũ lực để cướp tài sản, dùng dây trói bị hại, đưa về nhà Cường để giữ người trái pháp luật. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm đến tài sản, sức khỏe của người khác.

Bào chữa cho Cường, luật sư tiếp tục cho rằng cần phải xác định ai là người gây thương tích 8% đối với bị cáo, bởi đây là nguồn cơn phát sinh chuỗi hành vi trong vụ án. Đến nay, cơ quan tố tụng vẫn chưa thể làm rõ mà tách vụ án, dẫn tới làm sai bản chất, bỏ lọt tội phạm.

“Nếu không bị chém, Cường và các bị cáo sẽ không bắt giữ bị hại” – luật sư nói, và nhấn mạnh hành vi dùng dao chém người gây thương tích là phạm tội quả tang, ai (bao gồm các bị cáo) cũng có quyền bắt giữ để giao nộp cho cơ quan chức năng.

Vẫn theo luật sư, trước khi đi ngăn cản nhóm hút cát trộm, Cường có gọi điện thông báo cho cơ quan công an. Sau khi bị chém và phải đi bệnh viện, Cường cũng gọi điện trình báo, đồng thời dặn dò những người còn lại phải giữ nguyên hiện trường.

Về việc giữ hai chiếc điện thoại của bị hại, luật sư cho rằng Cường không có ý thức chiếm đoạt tài sản mà chỉ muốn giao nộp cho công an để làm rõ hành vi hút cát trái phép, ngăn chặn bị hại gọi thêm người đến đánh nhau. Khi ở bệnh viện, gia đình Cường đã chủ động đề xuất giao nộp…

Một luật sư khác bào chữa cho hai bị cáo Cương và Quý đề cập đến trách nhiệm của công an huyện Sóc Sơn khi đã bốn năm mà vẫn chưa thể làm rõ ai là người gây thương tích cho Cường.

Luật sư này dẫn lại lời khai ban đầu của bị hại cho thấy tự nguyện muốn về nhà Cường để giải quyết. Thế nhưng sau này, bị hại thay đổi theo hướng bị ép buộc về nhà Cường. Do bị hại không đến tòa nên rất tiếc không thể làm rõ mâu thuẫn trên.

Các luật sư còn đặt vấn đề việc thu giữ tang vật là hai chiếc điện thoại có nhiều vi phạm tố tụng (không có niêm phong, không mô tả đặc điểm, 15 tháng sau mới nhập kho vật chứng…). Từ các căn cứ đã nêu, luật sư đề nghị tòa tuyên cả bốn bị cáo không phạm tội.

Đối đáp lại, đại diện VKS bác bỏ hầu hết quan điểm của các luật sư. Kiểm sát viên cho rằng phải xác định thế nào là phạm tội quả tang. Thời điểm xảy ra vụ việc chưa đủ căn cứ xác định ông Thành hay ai là người gây thương tích cho Cường, nên không thể viện cớ bắt giữ người phạm tội quả tang.

Mặt khác, theo nguyên tắc khi bắt giữ thì phải áp giải ngay đến cơ quan công an, nhưng các bị cáo không làm mà lại đưa bị hại về nhà. Do vậy, hành vi giữ người trong vụ án là trái pháp luật…

Vướng lao lý vì ngăn cản “sa tặc”

Theo cáo trạng, rạng sáng 11-7-2018, ông Đào Công Thành cùng một nhóm người đi trên hai chiếc thuyền, đến sông Cầu khai thác cát trái phép (đã bị xử phạt hành chính). Phát hiện, Cường rủ thêm nhiều người đi ngăn cản nhóm ông Thành.

Tại khu vực bến sông, Cường bị gây thương tích 8% (công an đã tách vụ án để tiếp tục làm rõ). Nhóm Cường sau đó hành hung, trói rồi lấy hai chiếc điện thoại của ông Thành. Tiếp đó, các bị cáo đưa nhóm ông Thành về nhà Cường để giải quyết.

Nhóm ông Thành bị giữ tại nhà Cường khoảng 30 phút thì lực lượng công an (nhận được tin báo từ vợ ông Thành) đến giải thoát…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm