Ly kỳ vụ 4 người bắt 'sa tặc' bị tội bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản

(PLO)- Sau vụ việc ngăn cản nhóm “sa tặc” hút cát trên sông, bốn bị cáo phải hầu tòa về các tội bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-5, TAND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án cướp tài sản và bắt, giữ người trái pháp luật quy định. Sau một ngày làm việc với phần xét hỏi, HĐXX bất ngờ quyết định tạm dừng phiên xử, sẽ tiếp tục vào ngày 30-5 tới đây.

Vướng lao lý từ việc bắt “sa tặc”

Vụ án này, bốn bị cáo cùng bị truy tố về cả hai tội bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản. Các bị cáo gồm Nguyễn Văn Cường (40 tuổi), Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi), Dương Văn Quý (27 tuổi) và Dương Văn Cương (28 tuổi, cùng trú huyện Sóc Sơn).

Theo cáo buộc của VKS, rạng sáng 11-7-2018, ông Đào Công Thành (56 tuổi), bà Nguyễn Thị Anh (30 tuổi) cùng một nhóm người đi trên hai chiếc thuyền, đến sông Cầu khai thác cát (không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép). Do biết có thuyền hút cát gần với khu vực đất nông nghiệp của gia đình, bị cáo Cường rủ thêm năm người đi đuổi đánh, bắt giữ nhóm “sa tặc”.

Hai trong số bốn bị cáo tại phiên tòa hồi tháng 4-2022 (phiên này hoãn do không trích xuất được bị cáo). Ảnh: UYÊN TRANG

Hai trong số bốn bị cáo tại phiên tòa hồi tháng 4-2022 (phiên này hoãn do không trích xuất được bị cáo). Ảnh: UYÊN TRANG

Tại khu vực bến sông, nhóm Cường cầm theo tuýp sắt, nhảy lên thuyền, chửi: “Sao chúng mày hút cát ở đây”. Thấy vậy, ông ông Thành và bà Anh chạy trốn vào khoang máy, những người còn lại bỏ chạy. Phát hiện ông Thành, nhóm của Cường hành hung đối phương. Các bị cáo trói, lấy hai chiếc điện thoại của ông Thành.

Tiếp đó, sau khi tìm thấy bà Anh trốn trong khoang thuyền, Cường chỉ đạo những người còn lại đưa ông Thành và bà này về nhà Cường để giải quyết. Về phía mình, Cường bị chảy máu ở tay nên được em trai đưa đến bệnh viện.

Cơ quan tố tụng cho biết ông Thành và bà Anh bị giữ tại nhà Cường khoảng 30 phút thì Đồn Công an Trung Giã - Công an huyện Sóc Sơn (trên cơ sở nhận nguồn tin từ vợ ông Thành) đến giải thoát cho hai người.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an chưa làm rõ được ai là người gây thương tích (8%) cho Nguyễn Văn Cường nên quyết định tách vụ án hình sự cố ý gây thương tích để tiếp tục điều tra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau.

Trong khi đó, ông Thành bị Công an huyện Sóc Sơn ra quyết định xử phạt hành chính do có hành vi khai thác cát nhưng không có giấy phép và sử dụng thuyền không đăng ký phương tiện.

Cả bốn bị cáo phản đối cáo trạng

Sau khi đại diện VKS công bố bản cáo trạng, cả bốn bị cáo đều phản đối nội dung cáo buộc của cơ quan công tố.

Khai tại tòa, bị cáo Cường cho biết trước khi đi ngăn cản “sa tặc” có gọi điện thoại báo cho công an địa phương. Luật sư bào chữa cho bị cáo Cường cũng đề cập đến một số bút lục, được cho là giữa Cường và cán bộ công an địa phương đã có nhiều cuộc gọi điện thoại qua lại trước và sau khi xảy ra vụ việc.

Bị cáo Cường khai trước khi đi ngăn cản “sa tặc” đã gọi điện thoại báo công an và nếu không bị chém trước thì sẽ không dùng dây buộc những người khai thác cát trái phép…

Bị cáo Cường cho hay ra tới bến sông và nhìn thấy thuyền hút cát, bị cáo nói: “Ai cho chúng mày khai thác cát ở đây”. Dứt lời, Cường bước xuống tàu thì có khoảng ba người lao đến chém.

Bị cáo cho rằng nếu không bị chém thì sẽ không dùng dây buộc những người khai thác cát trái phép. “Bị cáo cho rằng hành vi tấn công mình là phạm tội quả tang nên có quyền bắt giữ để giao cho công an” - bị cáo Cường khai và cho hay việc trói nhóm ông Thành kéo dài khoảng 20 phút, sau đó thì cởi trói.

Do bị thương, bị cáo được đưa đến bệnh viện. Diễn biến tiếp theo như thế nào, bao gồm việc đưa nhóm ông Thành về nhà Cường, bị cáo không hề hay biết.

Vẫn theo lời bị cáo Cường, trước khi đến bệnh viện, bị cáo dặn dò những người còn lại giữ nguyên hiện trường chờ công an tới giải quyết. Trên đường đi, bị cáo cũng chủ động đưa hai chiếc điện thoại cho em trai, nói bàn giao lại cho cơ quan chức năng.

Đáng chú ý, để phục vụ việc xét xử, tòa có triệu tập hai em trai của bị cáo Cường. Người em trực tiếp đưa Cường đến bệnh viện xác nhận có được Cường dặn dò giữ hai chiếc điện thoại để giao lại cho công an.

Tại bệnh viện, khi có bốn cán bộ công an mặc thường phục tới, người này trình bày đang cầm hai chiếc điện thoại và muốn giao nộp để cơ quan chức năng xử lý. Tuy nhiên, một cán bộ cho hay do không mang giấy tờ (để lập biên bản) nên đề nghị gia đình tiếp tục giữ, sẽ bàn giao sau.

Trong khi đó, giống như các bị cáo Cương, Quý, Tuấn Anh, người em trai còn lại khai rằng không ai ép buộc nhóm ông Thành phải về nhà bị cáo Cường. Sau khi được cởi trói và lên bờ, nhóm ông Thành chủ động đặt vấn đề muốn được về nhà Cường để “giải quyết tình cảm”.

Tại nhà bị cáo Cường, hai bên ngồi uống nước và viết bản tường trình, không hề có việc khóa cửa hay đánh đập. Thời điểm viết xong tường trình, lực lượng công an đến rồi đưa những người liên quan đi.

Tự nguyện đưa điện thoại hay bị cướp?

Trả lời tại phần xét hỏi, cả ba bị cáo còn lại là Dương Văn Cương, Dương Văn Quý và Nguyễn Tuấn Anh đều cho rằng được bị cáo Cường rủ đi ngăn chặn khai thác cát trái phép, ngoài ra không còn mục đích nào khác. Khi lên tàu, Cường không chỉ đạo phải lục soát hoặc khám người để tìm tài sản, cũng không ai bắt buộc nhóm ông Thành phải về nhà Cường.

Bị cáo Cương cho hay khi nghe thấy điện thoại ông Thành đổ chuông, Cường yêu cầu tắt đi. Ông Thành tắt chuông, sau đó chủ động đưa điện thoại của mình cho Cường. Lúc này, chưa ai dùng vũ lực với ông Thành.

HĐXX hỏi việc Cường lấy điện thoại của ông Thành nhằm mục đích gì? Cả hai bị cáo Cương và Tuấn Anh đều cho rằng đó không phải là hành vi cướp, bởi Cường cầm điện thoại là để ngăn ông Thành gọi thêm người đến, tránh xảy ra đánh nhau to.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm