Đầu buổi xử, tòa dành thời gian cho VKS đối đáp lại hơn 80 vấn đề trong các luận cứ bào chữa cho bị cáo và bảo vệ quyền lợi người liên quan của các luật sư diễn ra trong năm ngày tranh luận qua.
VKS đối đáp vào sáng 28-5.
VKS thừa nhận có sai sót chính tả trong điều tra nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.
Cụ thể trước đó, một số luật sư cho rằng điều tra viên, kiểm sát viên khi lấy cung các bị cáo đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng như nhiều bản cung trùng ngày, giờ, bản cung "sinh đôi". VKS cho rằng trong quá trình điều tra có sai sót, tuy nhiên đó là sai sót về hình thức, không ảnh hưởng đến nội dung vụ án. Đồng thời các bị cáo không bị ép cung, dưới mỗi bản cung đều được ký tên. Tại tòa, không có bị cáo nào thay đổi lời khai, nói mình bị ép cung, trừ bị cáo Loan và không có bị cáo nào khai kiểm sát viên, điều tra viên lấy lời khai cùng lúc với bị cáo khác.
Đối với tình trạng sức khỏe của bị cáo Nguyễn Kim Thanh (chồng bị cáo Bùi Thị Kim Loan - kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, trợ thủ đắc lực của bà Phấn), VKS xác định bị cáo này có tinh thần không ổn định. Nhưng bị cáo không thuộc trường hợp hạn chế năng lực hình sự. Mặt khác, luật sư có cung cấp về tình trạng mới nhất của bị cáo nhưng không có căn cứ để thể hiện bị cáo bị tâm thần, hạn chế năng lực hình sự. Trong quá trình lấy cung tại cơ quan điều tra, bị can này đều xác nhận các biên bản hỏi cung đúng và cho biết đủ tình trạng sức khỏe để lấy cung. Do đó không thể nói là vi phạm tố tụng theo quy định.
Bị cáo Nguyễn Kim Thanh.
VKS cũng bác quan điểm của luật sư bào chữa cho bà Phấn cho rằng 3/5 thành viên HĐXX khi xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1 đã quyết định khởi tố một số bị cáo trong vụ án này sau đó các thành viên này lại tham gia HĐXX xét xử các bị cáo là vi phạm tố tụng. Vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, HĐXX có quyền khởi tố vụ án. Trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1, HĐXX đã ban hành ba quyết định khởi tố, các quyết định này hoàn toàn khách quan, không vi phạm quy định của pháp luật. Và không có điều luật nào quy định thành phần HĐXX khởi tố vụ án thì không được tham gia xét xử vụ án đó. Từ đó VKS khẳng định HĐXX vụ án này là đúng quy định.
Về chứng cứ mới luật sư bà Phấn cung cấp tại phiên tòa, VKS khẳng định lại việc không chấp nhận chứng cứ này là thực hiện đúng quy định của pháp luật. Luật sư cho rằng việc không chấp nhận USB này là chứng cứ là tước đi quyền cung cấp chứng cứ của luật sư vì chứng cứ này có thật và phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án. Nhưng USB không được thu thập theo trình tự tố tụng. Luật sư nói đã nhận USB này từ khi chưa được cấp giấy chứng nhận bào chữa nhưng không giao nộp vì không tin VKSND Tối cao. Vậy từ tháng 4-2017 đến tháng 5-2018 khi vụ án được xét xử luật sư mới giao nộp USB thì luật sư có thực sự bảo vệ bị cáo Phấn hay không? Viện đồng quan điểm với một luật sư nhóm Phương Trang về nguồn chứng cứ, USB không có chức năng ghi âm, vậy nó được ghi từ thiết bị nào, chép ra từ đâu, có đảm bảo không bị chỉnh sửa không.
Về căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, các luật sư cho rằng quá trình định giá có vi phạm quy định tố tụng, VKS bác quan điểm này. Bởi theo viện, tại thời điểm định giá có ít tài sản đem ra định giá, không có tài sản nào để đem ra so sánh. Hơn nữa trước khi tiến hành định giá đã thuê tổ chức định giá độc lập đó là định giá miền Nam. Hội đồng định giá thực hiện định giá độc lập, theo nhiệm vụ được phân công. Do đó, việc lập biên bản định giá không vi phạm tố tụng. Kết luận định giá luật không bắt buộc gửi cho người có liên quan như các luật sư nêu. Việc không cử người đến tận nơi để định giá, VKS cho biết luật không yêu cầu cơ quan định giá đến nơi, được phép dựa trên hồ sơ chứng từ, mẫu so sánh.
Các bị cáo tại phiên xử.
Quyết định xử phạt NHNN về mua căn nhà số 5 này là pháp nhân Ngân hàng Đại Tín, không xử lý cá nhân nào liên quan. Như vậy các cá nhân đã có hành vi vi phạm trong việc mua căn nhà chưa được xử lý nên VKS đề nghị bác bỏ quan điểm của các luật sư cho rằng NHNN đã tiến hành xử phạt.
Cạnh đó, quan điểm luật sư cho rằng việc nâng khống căn nhà không có căn cứ cũng không đúng. Bị cáo Phấn đã nhận chuyển nhượng từ hai cá nhân, luân chuyển lòng vòng, đứng trên danh nghĩa pháp nhân, mua đi bán lại để người khác lầm tưởng về chủ sở hữu căn nhà. Do đó việc nâng khống là có căn cứ.
Liên quan đến khoản vay của nhóm Phương Trang tại Ngân hàng Đại Tín, kết luận CQĐT cho thấy không có mối quan hệ vay giữa bà Phấn và nhóm Phương Trang. Về đường đi dòng tiền đã thể hiện đầy đủ trong kết luận. Hơn nữa các bị cáo đều thừa nhận rằng làm theo sự chỉ đạo của cấp trên. Thực tế không có giải ngân như hợp đồng tín dụng hoặc giải ngân không đúng. Quỹ tiền mặt của ngân hàng, không đủ tiền để có thể giải ngân tiền mặt, cấn trừ. Do đó VKS cho rằng đây là thu chi khống. Cũng như có luật sư phân tích, ngân hàng không hề đủ phương tiện chuyển tiền số tiền 2.000 tỉ đồng trong bốn ngày.
Các khoản vay này đều thực hiện theo phương pháp cấn trừ và để hợp lý hóa hồ sơ in sẵn chứng từ. Sổ nhật ký tiền mặt mà các luật sư trình bày, đây là sổ ghi chép của Hứa Thị Bích Hạnh lập trên chứng từ khống.
Từ đó, VKS khẳng định nhóm Phương Trang chỉ thực nhận hơn 3.900 tỉ đồng chứ không phải là 9.400 tỉ đồng. Và ai làm thiệt hại thì phải bồi thường, VKS xác định bà Phấn phải bồi thường 5.200 tỉ đồng. Việc luật sư đề nghị giám định thiệt hại, VKS cho rằng điều này không cần thiết...
Trong bản đối đáp dài hơn một tiếng rưỡi, VKS đã đối đáp tất cả quan điểm luật sư trình bày khi tranh luận. Qua phân tích từng vấn đề, khẳng định giữ nguyên quan điểm đã luận tội lúc đầu.