Vụ hủy phần dân sự của bản án hình sự: Cần giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự

(PLO)- TAND TP Cần Thơ đã không đúng khi áp dụng pháp luật tố tụng dân sự để giải quyết lại phần dân sự bị hủy trong bản án hình sự trước đó; trường hợp này phải giải quyết (phần dân sự) bằng phiên tòa hình sự mới đúng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trên số báo ngày 9-6, Pháp Luật TP.HCM đã thông tin về quan điểm trái chiều của VKS và tòa án trong việc phân định thẩm quyền xét xử phần dân sự bị hủy trong bản án hình sự trước đó.

Đại diện VKS cho rằng phải do Tòa Hình sự thụ lý theo pháp luật tố tụng hình sự (TTHS). Tuy nhiên, sau khi nhận được văn bản đề nghị của VKS thì Tòa Dân sự vẫn tiếp tục giải quyết. Tại phiên tòa, HĐXX cho rằng ý kiến của VKS là không cần thiết vì phần xử lý dân sự trong vụ án hình sự vẫn phải tuân theo Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS).

Để rộng đường dư luận, trên số báo hôm nay, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số ý kiến phân tích xung quanh vấn đề trên.

TAND Tối cao đã hướng dẫn rõ

Nêu quan điểm về vụ việc, ThS - luật sư (LS) Nguyễn Văn Dũ, Đoàn LS TP.HCM, cho biết: Theo mục 5 phần II Nghị quyết 05/2005 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì có ba trường hợp tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy phần quyết định dân sự trong vụ án hình sự.

Bài viết đăng trên Pháp luật TP.HCM ngày 9-6

Bài viết đăng trên Pháp luật TP.HCM ngày 9-6

Thứ nhất, hủy phần quyết định dân sự để điều tra lại. Theo đó, phần dân sự này phải chuyển về cơ quan điều tra (CQĐT) để điều tra lại, sau đó sẽ truy tố lại và xét xử lại.

Thứ hai, hủy phần quyết định dân sự để xét xử lại. Theo đó, phần dân sự này chỉ chuyển cho tòa án cấp sơ thẩm để thụ lý lại và xét xử lại mà không có quy trình điều tra lại của CQĐT.

Trong hai trường hợp nêu trên, việc giải quyết lại phần dân sự được thụ lý, giải quyết theo trình tự, thủ tục TTHS. Nếu cần xác minh, thu thập thêm chứng cứ thì tòa án có quyền tiến hành các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật TTDS.

Cuối cùng là hủy phần dân sự để giải quyết trong một vụ án dân sự khác khi có yêu cầu. Trường hợp này, việc thụ lý phải có yêu cầu, khởi kiện của đương sự, việc giải quyết chỉ tuân theo trình tự, thủ tục TTDS.

Đối với vụ việc tại TAND TP Cần Thơ nêu trên, bản án phúc thẩm nhận định từ hành vi sai phạm của bị cáo Kiệt (trong vụ án hình sự) đã làm phát sinh nhiều mối quan hệ về tài sản. Bản án sơ thẩm không giải quyết cụ thể các mối quan hệ về tài sản phát sinh mà lại giao cho một phía đương sự được quyền sở hữu là giải quyết vụ án không triệt để, gây thiệt thòi về quyền lợi cho một bên đương sự khác.

Từ đó, bản án phúc thẩm tuyên hủy phần dân sự, giao hồ sơ cho TAND TP Cần Thơ để giải quyết lại theo thủ tục chung và theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào bản án phúc thẩm, ThS-LS Dũ cho rằng nhận định này chưa thật sự rõ ràng, không rõ thuộc trường hợp hủy phần dân sự để xét xử lại (theo mục 5 phần II Nghị quyết 05/2005, điểm b mục 4 phần II và mục 3 phần III Công văn 121/2003 của TAND Tối cao), hay thuộc trường hợp hủy phần dân sự để giải quyết lại bằng một vụ án dân sự khác khi có yêu cầu (theo mục 5 phần II Nghị quyết 05/2005, điểm b mục 4 phần II và mục 1 phần III Công văn 121/2003).

Tuy nhiên, theo ThS-LS Dũ, tòa án cấp sơ thẩm nên hiểu theo hướng hủy phần dân sự để xét xử sơ thẩm lại, bởi vì quyết định của bản án phúc thẩm không có cụm từ nào nói tách phần dân sự ra để giải quyết bằng vụ án dân sự khác khi có yêu cầu mà chỉ có cụm từ “giải quyết lại vấn đề này”.

Tổ chức như phiên tòa dân sự

Khi vụ án được thụ lý theo trình tự, thủ tục TTHS đối với phần dân sự thì các đương sự chỉ đưa ra yêu cầu, cung cấp tài liệu, chứng cứ mà không phải làm đơn khởi kiện, đơn phản tố, đơn yêu cầu độc lập; không có thủ tục công khai chứng cứ và hòa giải... Cách tổ chức phiên tòa như phiên tòa dân sự.

Áp dụng tố tụng dân sự để giải quyết là không đúng

TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho rằng: Trong vụ việc này, bản án bị hủy một phần nội dung là bản án hình sự và việc giải quyết lại phần bị hủy là giải quyết một phần nội dung của bản án hình sự nên vẫn thuộc thẩm quyền của Tòa Hình sự.

Về nguyên tắc, khi bản án bị hủy một phần và giao hồ sơ cho tòa án cấp dưới giải quyết lại nội dung bị hủy của vụ án theo thủ tục chung và theo quy định của pháp luật, được hiểu là vẫn áp dụng pháp luật TTHS chứ không phải áp dụng pháp luật TTDS hay pháp luật tố tụng hành chính.

Theo TS Tiến, việc TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục tố tụng khác là không đúng về căn cứ phát sinh, trình tự giải quyết. Tòa chuyên trách có nhiệm vụ giải quyết trọn vẹn một vụ án theo pháp luật tố tụng đã áp dụng. Tòa Dân sự không thể thụ lý và áp dụng pháp luật TTDS để giải quyết sơ thẩm lại vụ án hình sự bị hủy một phần. Bộ luật TTHS và Bộ luật TTDS quy định khác nhau về trình tự giải quyết các loại vụ án hình sự, dân sự.

“Quan điểm của VKSND TP Cần Thơ trong trường hợp này là có căn cứ và phù hợp về thẩm quyền của các tòa chuyên trách” - TS Tiến nói.

Khác biệt khi xét xử theo thủ tục tố tụng dân sự hay hình sự

Dù tòa án thụ lý, giải quyết vấn đề dân sự theo thủ tục TTHS hay TTDS thì cũng đều phải làm rõ tất cả mối quan hệ phát sinh có liên quan, làm rõ tất cả yêu cầu… để giải quyết một cách toàn diện,
triệt để.

Tuy nhiên, khi giải quyết theo TTHS hay TTDS vẫn có những sự khác biệt ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của những người tham gia tố tụng.

Về tạm ứng án phí sơ thẩm, nếu theo TTHS thì đương sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm như vụ án dân sự thông thường. Trong khi đó, nếu theo TTDS, các đương sự phải nộp tạm ứng án phí hoặc phải có thủ tục xin miễn, giảm.

Về nghĩa vụ chứng minh, đương sự ít phải tự chứng minh hơn, tòa án sẽ đảm nhận việc chứng minh là chính nếu việc giải quyết được thực hiện theo thủ tục TTHS. Trong khi đó, đương sự phải tự chứng minh là chính nếu thực hiện theo thủ tục TTDS.

Ngoài ra, khi thụ lý, giải quyết theo TTHS thì không có thủ tục công khai chứng cứ và hòa giải. Tòa không có thẩm quyền ra quyết định công nhận sự thỏa thuận thành của các đương sự trước khi xét xử, việc ghi nhận sự thỏa thuận này chỉ được thực hiện, ghi nhận khi mở phiên tòa xét xử.

Điều này giúp cho việc giải quyết vụ án được gọn hơn, bớt đi thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, cũng chính điều này đôi khi gây bất lợi cho đương sự nếu họ tự nguyện thỏa thuận thành với nhau mà không được công nhận, kết thúc vụ án mà phải đợi đến khi mở phiên tòa.

ThS-LS NGUYỄN VĂN DŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm