Những ngày này, trong lúc gia đình, Trung ương Đảng, Chính phủ đang chuẩn bị công tác tang lễ thì các thế hệ cán bộ ngành ngoại giao đang chia sẻ với nhau những cảm xúc thương nhớ tới nhà ngoại giao - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan.
Một trí tuệ luôn biết lắng nghe
Chia sẻ với chúng tôi, Đại sứ Nguyễn Trường Giang nhớ lại những năm tháng có cơ hội được làm việc với thủ trưởng Vũ Khoan. “Tôi kém bác Vũ Khoan 20 tuổi, tức bác ấy là cha chú, là cây đa cây đề trong ngành”.
Về công việc, ông Giang có nhiều thời gian công tác ở Vụ Pháp luật và điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, với công việc chính là nghiên cứu, tham mưu về các vấn đề biên giới, lãnh thổ, chiến tranh và hòa bình. Đây cũng là lĩnh vực mà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Khoan lúc ấy phụ trách theo dõi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ân cần thăm hỏi sức khỏe ông Vũ Khoan và gia đình nhân dịptrao Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho ông hồi năm 2021. Ảnh: VGP/NHẬT BẮC |
“Những năm 1990-2000 là giai đoạn mà chúng ta vừa bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và đang trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Bác Vũ Khoan đã có những tham mưu sắc bén, giúp khơi thông, giải quyết nhiều vấn đề”.
Được làm việc trực tiếp, ấn tượng mà Đại sứ Nguyễn Trường Giang sâu sắc nhất với thủ trưởng của mình là năng lực tư duy sắc bén. Bất cứ vấn đề gì đưa ra bàn, đều chuẩn bị trước hệ thống luận điểm chính, phụ, tư duy logic 1-2-3-4.
Đây là tố chất rất quan trọng của lãnh đạo ngành ngoại giao, vốn có thể phải đối mặt với những tình huống bất ngờ, chẳng hạn liên quan đến hòa bình, an ninh, chủ quyền, lãnh thổ - tức rất hệ trọng nhưng phức tạp và trừu tượng. Có tư duy logic giúp đánh giá nhanh, tham mưu kịp thời với cấp lãnh đạo cao nhất.
“Chẳng hạn, tham mưu để chốt việc ký hiệp định biên giới phía Bắc, nếu không có những tham mưu sắc bén như bác Vũ Khoan thì có khi còn khó khăn, thậm chí chưa chắc đã ký được. Đàm phán biên giới lãnh thổ thì xác định được thời cơ vàng là hết sức quan trọng. Ăn nhau ở chỗ tư duy, ở các cơ sở, lập luận để khẳng định đó là cơ hội, để quyết định là giữ hay bỏ qua cơ hội ấy” - ông Giang chia sẻ.
Ông Vũ Khoan sinh ngày 7-10-1937 tại huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX; Bí thư Trung ương Đảng khóa IX; đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII; Phó Thủ tướng Chính phủ (từ tháng 8-2002 đến tháng 8-2006).
Ông đảm trách chức vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao năm 1990; làm Bộ trưởng Bộ Thương mại năm 2000; sau đó là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về APEC (năm 2002).
Một tố chất đáng quý ở Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Khoan là khả năng lắng nghe. Ông Giang kể: “Người lãnh đạo phải bao quát hàng chục, hàng trăm vấn đề, không thể giỏi hết được. Thế mới cần anh em tham mưu, cần chuyên gia. Nhưng tham mưu, chuyên gia thì chỉ nêu vậy thôi, còn chuyển hóa thành tri thức của mình, để mà quyết định là năng lực của lãnh đạo. Chuyên gia tích lũy kiến thức về lĩnh vực cụ thể 10 năm nhưng lãnh đạo chỉ nghe một buổi và quyết thôi. Bác Vũ Khoan trí tuệ chỗ đó”.
Chữ tâm của nhà ngoại giao Vũ Khoan
Cho đến giờ, Đại sứ Nguyễn Trường Giang vẫn ấn tượng với sức làm việc và ý thức trách nhiệm cao của người thủ trưởng cũ: “Không thứ trưởng nào làm việc như thế”.
Đấy là có những tình huống, công việc quá gấp, anh em tham mưu chuẩn bị rồi nhưng không kịp, mà 2 giờ nữa phải trình Bộ Chính trị. “Vậy là bác ấy ngồi chắp bút luôn. Cứ máy tính, hai tay lóc cóc, rất nhanh, ra ngay báo cáo gọn gàng, trí tuệ. Báo cáo Bộ Chính trị hay Thủ tướng thì dù phức tạp thế nào cũng không quá năm trang. Dứt điểm vậy. Đấy là cấp quyết định những chủ trương mang tính chiến lược, sống còn, không dài dòng. Những báo cáo ấy, có bác Vũ Khoan làm phòng tuyến cuối cùng rồi, bọn mình rất yên tâm” - Đại sứ Nguyễn Trường Giang nói.
Nhưng trong tất cả, đọng lại lớn nhất trong lòng ông Giang là chữ tâm ở nhà ngoại giao Vũ Khoan. “Tâm với công việc. Tâm với đất nước. Tâm với bộ, ngành. Tâm với anh em. Tâm ấy là chìa khóa cho mọi vấn đề, chứ người lãnh đạo chỉ giỏi thì chưa đủ” - Đại sứ Nguyễn Trường Giang tâm sự.
Đây cũng là cảm xúc của Đại sứ Chu Công Phùng, người có nhiều gắn bó những năm gần đây, khi được cùng nhà ngoại giao Vũ Khoan tham gia viết cuốn sách lịch sử ngành ngoại giao.
Ông Phùng chia sẻ: “Tôi kém anh Vũ Khoan 14 tuổi, vì trong ngành lâu năm nên cũng được coi là kỳ cựu và nghỉ hưu rồi thì được gọi vào nhóm viết sử ngành.
Với tôi và một số anh em cùng lứa thì đánh giá chung anh Vũ Khoan là nhân vật xuất chúng trong ngành. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là cây đại thụ lớn nhất thì kế thừa là anh Vũ Khoan.
Anh ấy giỏi toàn diện. Đang là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đầy uy tín, rất giỏi, rồi tình huống rẽ ngang, phân công làm Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng rất tốt. Đảng, Nhà nước đã đánh giá rất đúng khi đặt anh ở vị trí Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng phụ trách mảng ngoại giao, kinh tế đối ngoại”.
Trong ngành, nhà ngoại giao Vũ Khoan nổi tiếng với tinh thần tự học. Gốc là phiên dịch tiếng Nga trưởng thành lên, trước yêu cầu công việc, ông đã tự học tiếng Anh và dùng tiếng Anh để làm việc. “Hồi những năm 1990, được cấp trên bổ nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, anh Vũ Khoan tuyên bố sẽ học tiếng Anh để làm việc, sau hai năm mà không được sẽ từ chức. Và anh đã làm được việc ấy” - Đại sứ Chu Công Phùng kể.
Một gia đình ngoại giao mẫu mực
Tình cảm đọng lại lớn nhất như Đại sứ Chu Công Phùng chia sẻ là tinh thần chí công, vô tư, vì lợi ích chung toát lên từ thủ trưởng Vũ Khoan.
Ông Phùng nói: “Anh Vũ Khoan cùng gia đình, vợ, con đều công tác trong ngành ngoại giao, đến nay phải khẳng định không để lại điều tiếng gì. Đấy là gia đình ngoại giao gương mẫu. Thực sự kính phục. Thông minh, tài giỏi, khiêm tốn, đức độ, bao dung. Chúng tôi ngưỡng mộ gia đình ấy”.
Phu nhân của ông Vũ Khoan là bà Hồ Thể Lan (sinh năm 1938). Bà là vụ trưởng Vụ Báo chí và là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam từ năm 1987 đến 1996.